Có nên hy vọng?
Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chạm đến đỉnh điểm mới trong năm nay, đã có nhiều tuyên bố bóng gió và những sự kiện được sắp xếp để các bên liên quan có thể ngồi vào bàn đàm phán, giảm bớt nỗi sợ chiến tranh ở Đông Bắc Á.
Như đã hành động nhiều lần, HĐBA LHQ tiếp tục ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để đáp trả những vụ thử tên lửa của nước này. Tuy nhiên, thay cho bầu không khí đe dọa và đối đầu, các nhà ngoại giao đang nghiêng nhiều suy đoán, Mỹ và Triều Tiên có thể sẵn sàng làm bốc hơi chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh”. Nhưng liệu họ có sẵn sàng đàm phán sau nhiều năm xa lánh, nếu chỉ để “nói chuyện về các cuộc đàm phán”?
Mỹ dường như hài lòng rằng họ đã sắp xếp những biện pháp chế tài rất cứng rắn đối với Bình Nhưỡng, cùng với các đồng minh của Washington và kể cả Trung Quốc, để hình thành một mặt trận vững chắc chống lại Triều Tiên. Và giờ đây, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã gợi ý một khả năng đàm phán hòa bình bằng cách nói “Mỹ sẵn sàng đàm phán không điều kiện”. Xem ra vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết quanh gợi ý này nhưng nó dù sao cũng gieo hy vọng lớn về một cuộc đàm phán trong năm 2018.
Tuy nhiên, những diễn biến căng thẳng trong những ngày cuối năm khiến không ai có thể đoán được những gì sẽ xảy ra giữa Mỹ-Triều vào năm 2018. Năm 2017 đã chứng kiến những “cuộc khẩu chiến” gay gắt giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-Un nhưng mọi việc may mắn vẫn chưa vượt tầm kiểm soát. Có thể nói, năm 2018 là “thời điểm quyết định” giữa Washington và Bình Nhưỡng trong bối cảnh vẫn còn chưa rõ ràng liệu áp lực quốc tế về Bình Nhưỡng có cản trở các chương trình tên lửa và hạt nhân của họ hay không.
Có thể, để thúc đẩy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un ngừng chương trình vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đe dọa hành động quân sự. Nhưng điều đó có thể đẩy khu vực này lên con đường leo thang căng thẳng nghiêm trọng hơn.
THANH VĂN