Có như "muối bỏ biển"?

Thứ tư, 04/11/2015 08:39

(Cadn.com.vn) - Mỹ sẽ lần đầu tiên triển khai 50 binh sĩ thuộc Lực lượng Hoạt động Đặc biệt đến Syria để phối hợp với quân nổi dậy trong cuộc chiến đang bế tắc ở quốc gia Trung Đông này. Nhiều người gọi đây là động thái tích cực nhưng nhiều người khác lại cho rằng, kế hoạch này chỉ như "muối bỏ biển".

Trong bài phát biểu đưa ra hôm 2-11 (giờ Mỹ), Tổng thống Barack Obama nói về kế hoạch triển khai quân lần này, trong đó khẳng định, hoạt động này chỉ nhắm mục đích "huấn luyện và cố vấn cho lực lượng đối lập nước sở tại đối phó với nhóm Hồi giáo cực đoan IS". "Chúng tôi không triển khai lính Mỹ đến tiền tuyến để chiến đấu với IS", ông Obama khẳng định trong phát biểu công khai đầu tiên kế hoạch triển khai lính đặc nhiệm đến Syria kể từ khi quyết định này được công bố hôm 30-10. Vì vậy, ông tuyên bố, động thái này không hề phá vỡ cam kết "không triển khai bộ binh" đến Syria.

Mỹ đã triển khai lính đặc nhiệm như thế này đến Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, đội quân này đến Syria - nơi các cuộc không kích của Mỹ và liên quân chống IS vẫn chưa phát huy hiệu quả. Đây là quyết định đầy khó khăn trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Obama chịu sức ép phải đẩy mạnh các nỗ lực chống IS, nhất là sau khi nhóm này chiếm được thành phố Ramadi (Iraq) hồi tháng 5 cũng như sau khi Lầu Năm Góc thất bại trong chương trình quân sự huấn luyện và vũ trang cho hàng ngàn quân nổi dậy Syria.

Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa nhận định, kế hoạch triển khai quân lần này giúp mở ra "cánh cửa mới" ở Syria như "một sự thay đổi sẽ không thay đổi các điều kiện trên mặt đất". Mỹ hy vọng sẽ tăng cường ảnh hưởng và đòn bẩy với lực lượng nổi dậy bao gồm các chiến binh người Kurd và Lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA). Hai nhóm đã thực hiện lời cam kết chiếm lại một số khu vực mà IS đã chiếm đóng dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Các lực lượng người Kurd và FSA cũng thành lập một trung tâm hoạt động chung để lập kế hoạch chiến đấu và chứng tỏ họ có thể hình thành mặt trận đa sắc tộc có hiệu quả, kể từ khi FSA hỗ trợ người Kurd trong việc bảo vệ Kobane khỏi tay IS trong năm 2014. Đó là điểm nhấn mạnh của Nhà Trắng. Việc lực lượng đặc nhiệm hoạt động ở Syria là lời bảo đảm rõ ràng mà Mỹ muốn gửi đến các đồng minh rằng, họ có thể kiềm chế người Kurd ở Syria. Điều này giúp trấn an Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vốn xem người Kurd là nhóm quân khủng bố ly khai.

Tuy nhiên, tuyên bố cho rằng, lực lượng đặc nhiệm đến Syria chỉ để "tư vấn và hỗ trợ" cho các lực lượng nổi dậy đang làm dấy lên những câu hỏi về những gì 50 binh sĩ này thực sự có thể "làm gì khác" trong cuộc chiến ở Syria, ngoài nhiệm vụ cụ thể đã triển khai. Chẳng hạn như, các binh sĩ Mỹ này cũng có thể  "hợp tác hiệu quả hơn với lực lượng nổi dậy trên mặt đất".

Nhiều người cho rằng, Lầu Năm Góc không nên tiếp tục tham chiến ở Syria cho đến khi có một chiến lược rõ ràng để đánh bại IS và mang lại hòa bình cho quốc gia Trung Đông này.

Thanh Văn