"Cỏ thần kỳ" trên đảo Cồn Cỏ
(Cadn.com.vn) - Cồn Cỏ có hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, phong phú, nhiều tiềm năng, mang giá trị về địa chất và sinh thái cảnh quan như một bảo tàng thiên nhiên với các thềm đá bazan độc đáo dọc bờ biển, các bãi tắm nhỏ hoang sơ được tạo thành từ vụn san hô, sò điệp, cát... Đặc biệt, rừng nhiệt đới 3 tầng trên đảo là hệ sinh thái rừng khá hiếm của đảo núi lửa ở Việt Nam được gìn giữ và bảo vệ tốt. Trong điều kiện tự nhiên lý tưởng, khí hậu mát lành ấy, Cồn Cỏ còn đang sở hữu cây thuốc quý Giảo cổ lam hiện sinh trưởng rất mạnh trên đảo.
Một góc huyện đảo Cồn Cỏ. |
Giảo cổ lam hay còn gọi là Ngũ diệp sâm, Thất diệp đảm, được phát hiện ra và sử dụng đầu tiên ở Nhật Bản với tên gọi cây Trường sinh. Đây là loại cây thảo có thân mảnh, leo nhờ tua cuốn đơn ở nách lá và chỉ mọc trên núi đá vôi, khí hậu mát lành. Nghiên cứu khoa học đã cho thấy cây có tác dụng giúp bình ổn huyết áp, hạ mỡ máu, chống kết tụ tiểu cầu, làm tan huyết khối, ngăn ngừa xơ vữa mạch, các tai biến về tim, mạch, não, tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa sự hình thành và tăng sản của khối u. Với đặc tính như thế nên Giảo cổ lam được gọi là "cỏ thần kỳ", là " thần dược"...Tại Việt Nam, "thần dược" này được phát hiện tại đỉnh núi Phanxipang vào năm 1997.
Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch UBND Huyện đảo Cồn Cỏ Lê Minh Tuấn cho biết, vài năm trước, cư dân trên đảo thi thoảng bắt gặp loại cây này và cắt hái về sơ chế làm trà uống, đến đầu tháng 8-2016, qua khảo sát thực tế phát hiện cây Giảo cổ lam hoang sinh trưởng rất nhiều trong môi trường tự nhiên ở rừng trên đảo Cồn Cỏ.
Cồn Cỏ đang khẩn trương xây dựng đề án bảo tồn, quản lý "cỏ thần kỳ" Giảo cổ lam. |
Hẳn đây không chỉ là tin vui của đảo mà còn của Quảng Trị. Tuy nhiên, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức và trách nhiệm trong bảo tồn loại dược liệu này. Có một điều đáng lo đang xảy ra tại Cồn Cỏ là thực trạng thu hái, khai thác cây Giảo cổ lam diễn ra tràn lan. Ông Lê Minh Tuấn cho rằng nếu không quản lý, bảo tồn chặt chẽ thì sẽ khiến cây khó có khả năng phục hồi, phát triển. Trước tình hình đó, UBND huyện đảo Cồn Cỏ đã khẩn cấp chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trên đảo quán triệt cán bộ, chiến sĩ và tuyên truyền người dân về phương pháp khai thác, bảo tồn, sử dụng cây một cách hợp lý. Người dân chỉ được dùng liềm, dao cắt phần thân cây, không nhổ và rút gốc rễ bám của cây trên đất và trên các thân cây khác, không khai thác, thu hái tràn lan để cây có chu kỳ phát triển trở lại...Không dừng lại đó, Huyện đảo Cồn Cỏ cũng đang khẩn trương xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển Giảo cổ lam. Trong kế hoạch của đề án, đảo Cồn Cỏ sẽ có phương án để đưa "thần dược" này đến với mọi người, mọi nhà với sản phẩm trà Giảo cổ lam. Đặc biệt, khi tuyến du lịch ra đảo phát triển mạnh, đây sẽ là đặc sản mời gọi du khách và chắc chắn không ai muốn bỏ qua quà tặng từ thiên nhiên này. "Được tuyên truyền sâu rộng, nay bà con đã hiểu hơn lợi ích của "thần dược", không khai thác, sử dụng tùy tiện, bừa bãi, cũng qua đây ý thức sâu sắc bảo vệ biển đảo, quê hương", anh Nguyễn Hùng Phát, một cư dân của đảo phấn khởi bày tỏ. Tin tưởng rằng, với những chính sách về bảo tồn và phát triển hiệu quả kinh tế cây dược liệu quý hiếm này mà Cồn Cỏ đang tích cực triển khai, "cỏ thần kỳ" sẽ sớm cập đất liền, góp phần chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân gần xa.
Bảo Hà