Có thể giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng trong 45 ngày
Ngày 17-10, TTXVN đăng trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh về những chính sách hỗ trợ quan trọng đã, đang, sẽ triển khai trong thời gian trước mắt.
Phóng viên (P.V): Thưa Thứ trưởng, từ đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động. So với những chính sách được ban hành trước đó, những chính sách được đưa ra tại đợt bùng phát dịch lần thứ tư này có những điểm gì khác biệt?
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 27-4 đến nay, đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, nhất là tại các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu dân cư có mật độ dân số cao.
Trước đây, chúng ta đã có nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đến lần dịch thứ 4 này, chúng ta ban hành những chính sách mới hơn, đặc biệt tập trung vào việc hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và một số người dân trực tiếp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Đối với chính sách mới này, chúng ta đã hỗ trợ cụ thể hơn, quy định cụ thể hơn về đối tượng người lao động, bổ sung thêm những đối tượng bị mất việc. Đặc biệt, chúng ta tập trung hỗ trợ bằng tiền cũng như một số chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp có tiền lương để phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua đại dịch COVID-19.
Ngay khi lần dịch thứ tư xảy ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của COVID-19. Đối với chính sách hỗ trợ này, ngay khi ban hành, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, kịp thời. Công tác tuyên truyền, phổ biến, thông tin đến tất cả người dân, các địa phương và đặc biệt là cán bộ để nắm được chính sách nhằm triển khai thật tốt.
Kết quả trong thời gian vừa qua, chúng ta đã triển khai được một số kết quả tương đối tốt là hỗ trợ được trên 20.000 tỷ đồng cho hơn 22 triệu người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó có ba chính sách cơ bản. Chính sách thứ nhất là về bảo hiểm, chúng ta đã hỗ trợ được trên 5.000 tỷ đồng cho hơn 12 triệu người lao động. Với chính sách hỗ trợ bằng tiền, chúng ta đã hỗ trợ hơn 14 nghìn tỷ đồng cho trên 12 triệu người lao động. Đối với chính sách hỗ trợ để vay tiền để trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất, đến nay chúng ta đã hỗ trợ được trên 600 tỷ đồng cho trên 1.000 đơn vị sử dụng lao động và trả lương cho trên 160 nghìn người lao động.
P.V: Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp với tổng kinh phí 30.000 tỷ đồng. Ông có thể thông tin rõ hơn về gói hỗ trợ này?
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Căn cứ từ kết dư của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ đã xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP và ngay sau đấy là ban hành Quyết định 28/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID- 19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một chính sách cũng chưa có tiền lệ.
Đối tượng thụ hưởng chính sách là những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30-9-2021 nên lượng người lao động sẽ phủ rộng hơn. Đặc biệt việc hỗ trợ bằng tiền trực tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đấy thì chúng ta cũng có chính sách giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động từ 1% xuống 0% từ ngày 1-10-2021 đến ngày 30-9-2022, tổng số tiền là 38 nghìn tỷ đồng.
Đến thời điểm này tức là mới sau hơn 10 ngày triển khai thực hiện, Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã đối chiếu, rà soát người sử dụng lao động, các doanh nghiệp, đến nay đã đạt được. Đối với chính sách về hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã rà soát được 7,8 triệu người và đã hỗ trợ được 123 tỷ đồng. Đối với chính sách giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống 0%, Bảo hiểm Xã hội đã rà soát, đối chiếu được 363 nghìn người sử dụng lao động với tổng số người lao động là trên 10 triệu người và đạt 7,6 nghìn tỷ đồng rồi. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sẽ cố gắng hoàn thành trong vòng 45 ngày và chậm nhất là đến 31- 12-2021. Nhưng với tốc độ này, chúng tôi hy vọng rằng có thể đặt trước thời điểm đặt ra.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông!
HẠNH QUỲNH (thực hiện)