Cổ tích giữa đời thường
Đó là chuyện của vợ chồng người dân tộc Pa Cô trên đại ngàn Trường Sơn. Trong ngôi nhà sàn nhỏ, tuềnh toàng ấy, hơn 30 năm qua họ đã cưu mang, nuôi dưỡng những đứa bé mồ côi và góa phụ bất hạnh.
Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Căn Ling. |
Ngôi nhà... Thạch Sanh
Xã A Túc thuộc vùng Lìa ở phía nam H.Hướng Hóa (Quảng Trị), cách TP Đông Hà hơn 120km. Tuy nhiên, ở cách xa đó hàng chục km trên tuyến Lìa, ai cũng biết vợ chồng chị Căn Ling – Côn Ling ở bản Tăng Cô xã A Túc. “Nhà chị Căn Ling cưu mang, nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi, tốt lắm”, anh Hồ Ta Ôi, xã Thuận (H.Hướng Hóa) đầy thán phục. Cảm xúc chân thực ấy thôi thúc chúng tôi quên hẳn nhọc nhằn trên con đường xa ngái, tìm tới Tăng Cô. 11 giờ, nắng đổ gắt, chị Căn Ling cũng rời cơ quan UBND xã A Túc, nơi chị đang đảm trách vị trí Phó Chủ tịch HĐND xã. Hỏi thăm, chúng tôi nhanh chóng theo chị về nhà. Thực sự chúng tôi chưa hình dung được câu chuyện của gia đình chị cũng như hoàn cảnh bấy lâu. Cho đến khi đứng trước ngôi nhà tuềnh toàng, mới bắt đầu cảm nhận trọn vẹn sự nể phục của mọi người.
Chị Căn Ling và chồng là Côn Ling là gọi theo tên con của phong tục đồng bào Pa Cô. Còn tên thật của chị là Hồ Thị Vội (1964), còn chồng là anh là Hồ Văn Tàng (1960), đều sinh ra và lớn lên tại bản Tăng Cô này. Anh Côn Ling gắn với nương rẫy, còn Căn Ling là cán bộ xã. Là một cán bộ tận tụy việc nước, mẫu mực, đảm việc nhà, chị Căn Ling còn dấn thân vào việc nghĩa dẫu biết nhọc nhằn. “Vợ chồng họ đặc biệt lắm, không mấy ai làm được như rứa”, chúng tôi lại nhớ đến lời anh Hồ Ta Ôi trước đó.
Gặp lúc anh Côn Ling vừa từ rẫy về, đàn con, cháu tíu tít quấn lấy khách lạ. Chị Côn Ling không khỏi e ngại vì nhà quá chật chội. Nhưng sự hiếu khách đã sớm xua tan đi điều đó. “Đây là con của Hồ Văn Dưa nì”, chị Căn Ling ôm lấy thằng bé ngồi cạnh, giới thiệu với mọi người. Câu chuyện từ năm 1986 như quay chậm trở lại...Khi đó chị Căn Ling vừa sinh con thứ 2 là bé Hồ Thị Líp. Thời điểm đó, ở vùng rẻo cao, khó khăn bao trùm, bữa cơm chủ yếu là ngô, sắn, rau rừng, cá suối. Thế nhưng, đứng trước hoàn cảnh bi đát của một gia đình bà con khi cả vợ lẫn chồng lần lượt qua đời vì bạo bệnh, để lại đàn con thơ, vợ chồng chị Căn Ling đã đưa mấy anh em Dưa về nuôi dưỡng. Lúc đó Dưa mới hơn 11 tuổi, em trai là Hồ Văn Dành và em gái chưa biết lẫy là Hồ Thị Pưng. “Pưng mới hơn 2 tháng tuổi, quá nhỏ”, chị Căn Ling chảy nước mắt nhớ lại. Vừa chăm con mới sinh, vừa lo cho những đứa con mồ côi, chị Căn Ling gần như kiệt sức, không có thời gian ngơi nghỉ. Anh Côn Ling cũng đầu tắt mặt tối trên nương rẫy để mong kiếm đủ miếng ăn cho cả nhà. Dẫu khó khăn là thế, anh chị chưa bao giờ kêu than, từ bỏ. “ Năm 1996, Dành ốm, chân răng chảy máu mấy ngày, đắp đủ thứ thuốc vẫn không cầm máu rồi đột ngột qua đời”, chị Căn Ling bật khóc khi nhớ về đứa con nuôi vắn số.
Mấy năm sau, vợ chồng chị Căn Ling lại đón thêm 3 cháu nhỏ mồ côi cha về cưu mang. Đó là anh em Hồ Văn Thiệt (1986), Hồ Thị Tha (1988) và Hồ Thị Thiệp. Do mẹ là Hồ Thị Thỉ thường xuyên ốm đau nên anh chị đón luôn về đoàn tụ cùng các con. Năm 2005, chị em Hồ Thị Hà, Hồ Thị Hinh và Hồ Thị Hội (ở xã Pa Tầng, H. Hướng Hóa) mồ côi cha được vợ chồng chị Căn Ling nhận nuôi dưỡng. Cũng như gia cảnh chị Thỉ, mẹ của mấy chị em Hà cũng theo con về ở Tăng Cô dưới sự bảo bọc, che chở của vợ chồng tốt bụng. Năm 2014, góa phụ Hồ Thị Tía (ở xã Xy, H.Hướng Hóa) cùng với 2 con là Hồ Thị Miệc và Hồ Muộn cũng chính thức trở thành người thân của của gia đình chị Căn Ling. “Vợ chồng Căn Ling sống tốt lắm, lo cho con nuôi tới nơi tới chốn, là tấm gương sáng cho bản làng”, già Côn Hiểu kể đầy tự hào. Còn người Kinh ở đây lại ví von “đó như ngôi nhà...Thạch Sanh, đứa ni lớn lên thì đứa khác lại về, chưa khi mô thấy bớt đông đúc”.
Dù khó khăn, gia đình chị Căn Ling (giữa) luôn ấm áp, hạnh phúc. |
Lan tỏa nhân ái
Khi nói về những đứa con mồ côi, chị Căn Ling xúc động vì sự hiếu thảo của các con. “Các con ngoan lắm, biết nghe lời, chăm học và siêng năng, không phụ mong đợi, nhất là bà con lối xóm đã san sẻ, giúp đỡ với gia đình”, chị Căn Ling bày tỏ sự biết ơn. Thực ra, cảm động trước tấm lòng của anh chị, bà con trong bản dù nghèo vẫn ra sức lúc giúp đỡ lon gạo, củ sắn, khi tấm áo, đôi dép để anh chị lo cho các con. “Căng nhất là mỗi dịp vào đầu năm học, không thể có quần áo mới cho các con mà tủi thân lắm, cũng may các con hiểu, không giận dỗi, hờn trách”, chị Căn Ling nhớ lại. Khi những đứa trẻ khôn lớn, vợ chồng chị tất bật lo việc làm, lập gia thất cho các con. “Hồ Thị Pưng hiện là giáo viên tại xã Xy, đã lập gia đình. Gia đình Hồ Văn Dừa, Hồ Văn Thiệt ở gần đây. Riêng Thiệp lấy chồng bên xã Thanh”, chị Căn Ling kể như khoe.
Bà con bản Tăng Cô kể, ngày Pưng lấy chồng, nhiều người thấy gia cảnh Căn Ling khó khăn quá nên bàn chỉ làm lễ đơn giản cũng không ai trách. Thế nhưng, với tấm lòng của người làm cha, làm mẹ, vợ chồng chị Căn Ling kiên quyết tổ chức cho con chu đáo. “Con đẻ có thể không tổ chức chứ mấy đứa nhỏ đã mồ côi, tội nghiệp rồi, không thể để thiếu thốn”, chị Căn Ling nói lời tâm can. Cũng với sự giáo dục của cha mẹ, các con đẻ của vợ chồng Căn Ling thương các anh chị em mà cha mẹ cưu mang như người thân ruột thịt. Nỗ lực học hành cho cha mẹ vui, người con út của vợ chồng chị Căn Ling đang là sinh viên năm 3 trường ĐH Kinh tế Huế, còn Líp, Lẻ và Lết đều tốt nghiệp ĐH Sư Phạm và trường Y, hiện đều về làm tại các xã vùng Lìa.
Nhọc nhằn lo cho đàn con nên dù anh Côn Ling cật lực lao động cùng với đồng lương ít ỏi của chị Căn Ling cứ như “gió vào nhà trống”. Đến bây chừ, căn nhà sàn của anh chị vẫn chưa thể sửa chữa để vững chãi hơn. “ Miệc đang học lớp 2, đứa em đang học mẫu giáo”, chị Căn Ling như nói về chặng dài tiếp tới. Với tấm lòng bao la của vợ chồng chị, chưa biết thời gian tới có thêm thành viên mới nào được cưu mang nữa không nhưng chắc chắn một điều rằng, ngôi nhà nhỏ ấy chưa bao giờ vơi đi niềm ấm áp và rộn rã hạnh phúc. Sự tử tế ấy thực sự là viên ngọc tỏa sáng giữa đời thường hôm nay.
BẢO HÀ