Cổ tích tình yêu giữa đời thường

Thứ bảy, 27/06/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Đến bây giờ, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Tùng (1955), trú thôn 2, Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) vẫn chưa tin được đứa con gái tật nguyền ngày nào lại có được mái ấm hạnh phúc...

Nhớ lại ngày xưa, ông Tùng tâm sự: Năm 1983, khi sinh ra Nguyễn Bích Ngọc cũng mạnh khỏe như bao đứa trẻ khác. Khi vừa hai tuổi, Ngọc bị sốt bại liệt. Sau khi chữa khỏi cũng là lúc Ngọc không thể đi lại được. Dù gia đình đưa đi chữa chạy khắp các nơi nhưng đôi chân cứ teo dần và vẹo cột sống buộc em phải đi lại bằng đôi nạng gỗ. Đến tuổi đến trường, dù bị liệt cả hai chân nhưng ngược lại Ngọc vẫn nằng nặc xin cha mẹ cho được đến trường. Thương con, suốt 9 năm học cấp 1 rồi cấp 2 tại trường học gần nhà, hai vợ chồng phải thay nhau cõng con đến trường. Hết cấp 2, Ngọc lại xin ba mẹ cho học tiếp cấp 3 tại Trường THPT Nguyễn Thái Bình (xã Bình Đào) cách nhà non 10km.

Không thể đi về hàng ngày như bao bạn bè cùng trang lứa, vợ chồng ông Tùng phải tìm nhà người quen để gửi. Hàng tuần, đi về Ngọc phải nhờ người anh bà con chở giúp. Ba năm học cấp 3 là cả một thời gian dài cực khổ mà Ngọc đã vượt qua để có được con chữ cho bằng chị bằng em. Năm 2002, do không đỗ vào đại học, Ngọc xin theo học lớp kỹ thuật viên vi tính miễn phí dành cho người tàn tật do Hội Chữ thập đỏ H. Thăng Bình mở. Cảm phục trước nghị lực vươn lên của em, sau khi tốt nghiệp lớp kỹ thuật viên, Ngọc được UBND xã Bình Dương nhận vào làm cán bộ tại xã. Sau thời gian làm việc, năm 2011 Ngọc xin nghỉ phép theo người bạn vào TP Hồ Chí Minh tham quan.

Không ngờ, chuyến đi ấy đã đánh dấu bước ngoặt "lịch sử" trong đời người con gái tật nguyền Nguyễn Bích Ngọc. Tại đây, vô tình Ngọc gặp và làm quen với Lê Trung Kỳ (1984), trú Quý Phước, Bình Quý, Thăng Bình khi anh đang làm công nhân tại khu công nghiệp Dĩ An, Bình Dương. Khi biết con gái có bạn trai là người lành lặn, gia đình nhiều lần cản ngăn vì sợ không xứng đôi... Và, không ít bạn bè hai bên lời ra, tiếng vào ngăn cản nhưng Ngọc-Kỳ vẫn bất chấp và tình yêu của đôi bạn trẻ ngày càng lớn, bền chặt. Hơn 1 năm tìm hiểu nhau, Kỳ đến gia đình xin phép cưới Ngọc làm vợ. Sau khi tổ chức lễ cưới, Kỳ về hẳn quê để gần gũi và tiện việc chăm sóc vợ. Hơn 1 năm sau ngày cưới, hai vợ chồng trẻ đã hạ sinh một cháu trai được đặt tên là Lê Phúc Nguyên.

Vợ chồng Lê Trung Kỳ-Nguyễn Bích Ngọc hạnh phúc bên con trai.

Nhớ lại những ngày đầu khó khăn, Lê Trung Kỳ bẽn lẽn tâm sự: "Cưới vợ xong, không thể dựa vào cha mẹ hai bên, em phải làm đủ loại công việc, như: lắp màn rèm, thợ điện... để kiếm sống. Cuộc sống có ổn định hơn khi được một công ty TNHH tại địa phương nhận vào làm công việc bán ga, với mức lương 3 triệu đồng/tháng". Đồng thời, nhờ sự giúp đỡ của hai bên gia đình cùng bạn bè, với số tiền hơn 100 triệu đồng hai vợ chồng đã xây dựng được ngôi nhà cấp 4 để ở.

Hiện tại, Ngọc ở nhà chăm sóc con, Kỳ lo công việc tại công ty, dù cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn nhưng trong căn nhà nhỏ của họ tại thôn 2, Bình Dương vẫn đầy ắp tiếng cười bên cạnh tiếng bi bô của con trẻ trong sự thán phục của mọi người. Anh Nguyễn Thanh Tùng-Trưởng CA xã Bình Dương cho biết: Dù vợ chồng Ngọc-Kỳ được ví là đôi đũa lệch nhưng hiếm có cặp vợ chồng nào có thể sánh bằng. Tại địa phương, họ được xem là đôi vợ chồng gương mẫu cho mọi người noi theo... Câu chuyện của họ chẳng khác gì chuyện "cổ tích" giữa đời thường. Thán phục thay cho nghị lực và tình yêu của họ.

M.T