Cổ vũ, động viên tinh thần phòng chống dịch Covid-19 bằng ca khúc cải biên
Năm 1998, trong một lần trò chuyện với tôi bên ly cà-phê trước thềm hội quán văn nghệ sĩ ở TPHCM, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói: Anh rất nể những người chế nhạc của anh, đặc biệt là khi nghe mấy đứa trẻ hát “Một người mù xem tivi, một người câm đang tập hát, một người cùi đếm ngón tay” vì nhận ra tính triết học nhân sinh, tính nhân văn trong những ca từ đó sâu sắc lắm, cao lắm, hơn hẳn lời của bài hát gốc.
Nhạc cải biên từ ca khúc “Tiếng đàn Ta Lư”. |
22 năm sau, nhân loại bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI với một trật tự bình thường mới trên thế giới được xác lập bởi chủng mới của virus Corona, và một lần nữa ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chế. “Ta đã thấy gì sau Cô Vy, dịch đi muôn vạn hiểm nguy, đài báo loan tin khắp mọi miền. Hãy ở nhà chống dịch Cô Vy. Người dân hạn chế giao lưu. Cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh, người dân là một chiến sĩ, đoàn kết quyết tâm ta sẽ chiến thắng” là phần mở đầu bài hát Ta đã thấy gì sau Cô Vy của Liên Paris được cải biên từ ca khúc Ta thấy gì đêm nay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhằm cổ động phong trào chống dịch Covid-19 ngay trong những ngày Việt Nam bước vào giai đoạn ứng phó với làn sóng thứ 2 của dịch Covid19. MV Ta đã thấy gì sau Cô Vy được mở đầu với đề từ là câu chuyện về những người hùng thầm lặng trên tuyến đầu chống dịch thể hiện ý muốn "Tôi viết lại lời bài Ta thấy gì đêm nay tri ân đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ Công an, Bộ đội và các tình nguyện viên đang ngày đêm chống dịch'' của tác giả phái sinh nhạc phẩm Ta thấy gì đêm nay: “Ta đã thấy gì sau Cô Vy, bàn tay nắm chặt bàn tay. Những suất cơm thơm thắm tình người, những giường tầng của người chiến sĩ, nhường dân trong lúc cách ly, vai vác ba lô các anh vượt rừng, lều căng tạm trên vách núi, thật đáng quý thay Bộ đội Cụ Hồ... Ta đã thấy gì sau Cô Vy, cờ bay muôn vạn cờ bay, đất nước tri ân những người hùng, những người hùng mang tên bác sĩ, ngày đêm chiến đấu gian lao, chăm sóc quan tâm đến từng người bệnh, kiểm soát dịch cho đất nước, thật xứng với danh thiên thần áo trắng”. Là phiên bản chống dịch Covid-19, Ta đã thấy gì sau Cô Vy đã nhạc hóa các biện pháp phòng chống hội chứng hô hấp cấp tính nặng do virus Corona 2 đồng thời góp tiếng thêm hình lan tỏa thông điệp đoàn kết chống dịch Covid-19 để không ai bị bỏ lại phía sau trong niềm tin chiến thắng: “Dịch bệnh hiểm nguy một phút chớ có lơ là, khử khuẩn rửa tay luôn nhớ phải mang khẩu trang, mọi người đề cao ý thức cách ly xã hội, đẩy lùi được ngay Cô Vy ra khỏi Việt Nam... Ta đã thấy gì sau Cô Vy, bàn tay muôn vạn bàn tay, đất nước giang tay đón kiều bào, để đùm bọc sẻ chia gian khó, tình quê hương thắm trong tim, Nhà nước với nhân dân như là một rồi, Việt Nam ta sẽ chiến thắng, đoàn kết chống dịch như là chống giặc”.
Làn sóng Covid-19 quay lại Việt Nam tuy muộn hơn nhiều quốc gia trên thế giới nhưng ngay sau khi khởi phát ở Đà Nẵng vào cuối tháng 7-2020 đã nhanh chóng lan ra các tỉnh miền Trung và gây một số ca tử vong. Trước thử thách lớn của làn sóng Covid-19 thứ 2 phức tạp và nguy hiểm hơn, Chính phủ quyết định tập trung nguồn lực dập dịch ở Đà Nẵng và các tỉnh phụ cận, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid19 trong tình hình mới và Bộ Y tế điều động lực lượng lớn chưa từng có tiếp sức cho Đà Nẵng và miền Trung, tái thiết lập giãn cách xã hội. Và, trong lúc cả nước phát huy những kinh nghiệm chống dịch rất quý báu tích lũy được ở giai đoạn đầu, hệ thống y tế với đội ngũ thầy thuốc từng kiểm soát tốt Covid19 làm việc không ngơi nghỉ thì một lần nữa yếu tố tinh thần góp phần thắp lửa niềm tin chiến thắng đại dịch, trong đó có những ca khúc cải biên, bản nhạc chế cùng mục đích tạo “vaccine” đối trị làn sóng dịch Covid-19 thứ 2. MV Tiếng đàn Ta Lư phiên bản Chiến thắng Covid-19 với lời của Lục Hòa và giọng hát của Lê Ngọc ThúyÁ khôi Duyên dáng Áo dài năm 2017 góp âm giai cổ động phòng chống Covid-19. Dựa trên nét nhạc được nhạc sĩ Huy Thục sáng tác vào năm 1967 để ca ngợi âm điệu độc đáo của cây đàn Ta Lư đã đưa tinh thần lạc quan của người dân tộc Vân Kiều bay cao giữa đại ngàn Trường Sơn cũng như trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, Tiếng đàn Ta Lư phiên bản Chiến thắng Covid-19 được phối khí với giọng hát nhẹ nhàng, vui tươi của Lê Ngọc Thúy tràn ngập niềm tin chiến thắng khi diễn tả không khí ngăn chặn, biện pháp phòng chống và xử lý, ứng phó với Covid-19 rất hiệu quả của Việt Nam: “Khi không cần đừng đi đâu người ơi, cùng nhau ta chung tay với cùng Chính phủ để chống dịch Cô Vy. Giờ cả đất nước đang âu lo với những tin tức bởi dịch Cô Vy, Thủ tướng đã ban ra nên ở nhà người ơi. Giữa những khốn khó sáng lấp lánh đóa hoa cuộc đời. Trao nhau yêu thương giữa gian nan siết chặt tay nhau. Niềm tin tưởng sáng long lanh trong mắt tình nguyện viên, sinh viên. Cảm phục thay những người chiến sĩ, nhiều ngày qua chiếu đất màn trời. Tin đưa 4 5 6 7 8 9 chục ca lây nhiễm đã chữa lành xong, đã mạnh khỏe như thường, những người thầy thuốc ơi, các anh chữa hay hung. Niềm tin dâng cao, thắng giặc Cô Vy, Tổ quốc thân yêu, thanh bình yên vui”.
Xuất hiện trong thời điểm bắt đầu giai đoạn 2 của nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, các bài hát được chế như Ta đã thấy gì sau Cô Vy, Tiếng đàn Ta Lư phiên bản Chiến thắng Covid-19 mang mục đích tạo “vaccine tinh thần”, tiếp thêm sức mạnh tinh thần phòng chống Covid-19. Đến lượt mình, hôm nay tôi là người nể phục những người chế nhạc khi đã hiểu tinh thần của những câu hát: “Ta đã thấy gì sau Cô Vy, bàn tay nắm chặt bàn tay...”, “Niềm tin dâng cao, thắng giặc Cô Vy, Tổ quốc thân yêu, thanh bình yên vui”.
NGUYỄN BỘI NHIÊN