COC cho ASEAN - Trung Quốc?

Thứ ba, 04/08/2015 08:23

(Cadn.com.vn) - ASEAN và Trung Quốc đã thảo luận về việc thiết lập một "đường dây nóng" trong các trường hợp khẩn cấp liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông. Và điều người ta chờ đợi bây giờ là cả hai nhanh chóng tiến đến việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC).

Các quan chức cấp cao của Bắc Kinh và ASEAN đã gặp nhau tại Thiên Tân (Trung Quốc) để thảo luận việc thực hiện Tuyên bố năm 2002 về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và tiến đến COC - vốn có tính ràng buộc hơn cho vấn đề biển Đông. Cuộc họp diễn ra khi căng thẳng giữa các nước ASEAN với Trung Quốc vẫn ở mức cao trong khu vực biển Đông, nơi Trung Quốc trải qua 18 tháng tiến hành cải tạo đất ở các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, hành động vốn gây ra làn sóng phản đối gay gắt từ các nước trên toàn thế giới.

Trung Quốc bắt đầu đồng ý thảo luận về COC với ASEAN vào năm 2013. Rõ ràng, sau các cuộc họp tham vấn ở Thiên Tân, người ta có quyền hy vọng tương lai nhà lãnh đạo Trung Quốc và ASEAN sẽ đặt bút ký kết COC. Giới ngoại giao ASEAN đánh giá khác nhau về các cuộc đàm phán Thiên Tân. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman lưu ý, cuộc họp bao gồm "những tiến bộ quan trọng đối với các COC".

Tuy nhiên, theo ông, "trong khi chúng tôi tiến hành thực hiện DOC và làm việc khẩn trương hướng đến việc thành lập COC, những căng thẳng gần đây ở biển Đông (ám chỉ những động thái bồi đắp đảo của Bắc Kinh) làm xói mòn niềm tin giữa các bên". Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Noppadon Theppitak cho rằng, các nước đồng ý "duy trì sự ổn định" ở biển Đông bằng cách "thực hiện một số điểm đạt được là kết quả của cuộc họp này", tức nói đến việc ký kết COC.

Đối với Trung Quốc, nước vốn liên tục trì hoãn việc ký kết COC, cuộc họp này là một diễn đàn quan trọng để xây dựng lòng tin với các quốc gia ASEAN. Đây cũng là cách để Trung Quốc chứng tỏ họ vẫn tiếp tục quan tâm đến vấn đề này - dù khá nhỏ - trong các cuộc tham vấn tiếp tục hướng đến Bộ quy tắc ứng xử. Sự mất lòng tin đối với Trung Quốc gia tăng trong những tháng gần đây liên quan đến việc xây dựng đảo trong quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, với tuyên bố không tham gia phiên tòa xử kiện với Philippines và từ chối công nhận bất kỳ phán quyết nào của tòa liên quan đến các vấn đề biển Đông, Bắc Kinh đang khiến ASEAN và cộng đồng quốc tế lo ngại.

Tất nhiên, sau cuộc họp này, chúng ta chưa thể lạc quan nhìn thấy ngay một bản dự thảo mới của COC. Giới phân tích cho rằng, điều lo ngại nhất là đối với Bắc Kinh, COC vẫn không nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của họ. Bởi lẽ, đối với Bắc Kinh, việc tham gia quá trình tham vấn tiến đến COC phải chứng minh ưu thế chiến lược của họ. Chẳng hạn, trong quá trình cuộc họp mới đây nhất về DOC và COC, Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền đường chín đoạn - hay còn gọi là đường lưỡi bò - đối với vùng biển tranh chấp bất chấp sự phản đối gay gắt.

Thanh Văn