Colombia-FARC nỗ lực cứu thỏa thuận hòa bình

Thứ năm, 06/10/2016 10:07

(Cadn.com.vn) - Chính phủ Colombia và nhóm Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã trở lại con đường đàm phán, dự kiến có thể kéo dài hơn nữa theo yêu cầu của những người phản đối thỏa thuận hòa bình lịch sử mà hai bên đã ký.

Colombia thực sự đang đứng trước ngã ba đường sau khi thỏa thuận hòa bình lịch sử bất ngờ bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2-10. Tổng thống Juan Manuel Santos đang nỗ lực như con thoi trên con đường tìm kiếm các thỏa thuận với các lực lượng chính trị khác nhau, gồm cả phe đối lập, để cố gắng cứu thỏa thuận hòa bình mà cả hai đã dày công đàm phán trong 4 năm qua.

Cựu Tổng thống Uribe (giữa) trong cuộc họp với phe phản đối thỏa thuận hòa bình
giữa chính phủ Colombia với FARC. Ảnh: WSJ

Tiếp tục đàm phán

Hôm 4-10 (giờ địa phương), đại diện chính phủ Colombia và FARC tiếp tục họp tại thủ đô La Havana của Cuba, là nơi diễn ra các cuộc đàm phán giữa hai bên kể từ năm 2012 nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu kéo dài 52 năm.

Theo Reuters, Trưởng nhóm đàm phán Humberto de la Calle và ủy viên cấp cao vì hòa bình Sergio Jaramillo trở lại Trung tâm hội nghị La Havana để bắt đầu họp với các lãnh đạo FARC nhằm tìm ra những khả năng có thể làm thay đổi thỏa thuận đáp ứng những yêu cầu từ nhóm các nhà phê bình do cựu Tổng thống Alvaro Uribe đứng đầu. Ngoại trưởng Maria Angela Holguin, một trong ba người được Tổng thống Santos bổ nhiệm để đàm phán với phe đối lập nhằm cứu thỏa thuận này, cho biết, việc đàm phán lại lần này phụ thuộc hoàn toàn vào FARC. Trong khi đó, FARC cho rằng, thỏa thuận hòa bình vẫn có hiệu lực bởi hiệu ứng của cuộc trưng cầu dân ý chỉ mang tính chính trị chứ không có tính pháp lý.

Giữa lúc hai bên đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế, Tổng thống Santos tuyên bố, lệnh ngừng bắn giữa chính phủ với FARC sẽ kết thúc vào ngày 31-10 tới. Động thái này khiến thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono đã đặt câu hỏi liệu sau thời hạn này quân đội và FARC có tiếp tục xung đột vũ trang nữa hay không.

Nhân tố Alvaro Uribe

Thực tế, tất cả các bên, gồm cả những cử tri nói “không” đều nói rằng, họ muốn chấm dứt chiến tranh và thực thi lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, phe kịch liệt phản đối - do hai cựu Tổng thống Alvaro Uribe và Andres Patrana đứng đầu - cho rằng, FARC được lợi quá nhiều từ thỏa thuận này (được ân xá và bảo đảm ghế trong Quốc hội) và cần đàm phán lại. Và những cử tri nói “không” cũng đồng tình như vậy.

Trong suốt nhiệm kỳ 2002-2010, cựu Tổng thống Uribe có chính sách cực kỳ cứng rắn đối với FARC, nhóm đã sát hại cha của ông trong vụ bắt cóc vào năm 1983. Và cựu tổng thống đã cố gắng thuyết phục hơn 6,4 triệu cử tri Colombia về những hậu quả không thể ngờ tới từ FARC nếu thỏa thuận hòa bình được công nhận. Và kết quả trưng cầu dân ý cho thấy ông Uribe vẫn là một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng và có khả năng kêu gọi sự ủng hộ quy mô lớn.

Đương kim Tổng thống Santos đã lên kế hoạch gặp gỡ và đối thoại với hai người tiền nhiệm Uribe và Pastrana để thảo luận cách làm thế nào để thúc đẩy tiến trình hòa bình về phía trước. Cả 2 cựu Tổng thống cũng khẳng định sẽ họp với ông Santos, để đưa ra những lo ngại về các điều khoản trong thỏa thuận. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, ông Uribe có thể tìm cách trì hoãn các cuộc đàm phán cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2018, thời điểm ông có khả năng tái tranh cử và tái đắc cử.

Khả Anh