Con dao hai lưỡi

Thứ bảy, 24/09/2016 10:15

(Cadn.com.vn) - Việc Ba Lan ngày 23-9 khẳng định các đơn vị quân sự đầu tiên của Mỹ và NATO sẽ được triển khai đến nước này vào tháng 1-2017 đẩy mối quan hệ giữa liên minh quân sự này với Nga xuống sát bờ vực thẳm.

Trên thực tế, hoạt động này nằm trong kế hoạch được NATO thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw, Ba Lan trong hai ngày 8 và 9-7 vừa qua, nhưng lần đầu tiên Ba Lan ra tuyên bố về hoạt động này. Theo đó khối này sẽ triển khai 4 tiểu đoàn đến Ba Lan và 3 quốc gia trong khu vực Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania. Trong khi đó, có khả năng Lầu Năm Góc sẽ triển khai một đơn vị thiết giáp sẽ đến Ba Lan thực hiện nhiệm vụ đồn trú luân phiên vào tháng 1-2017.

Việc NATO quyết định điều quân như thế này được biện minh là nhằm đảm bảo an ninh cho các quốc gia trong khối quân sự khi các nước này đều đang lo ngại về hoạt động của Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Giới chức lãnh đạo các nước NATO nhấn mạnh, mục đích của việc điều quân này cũng là nhằm cân bằng “răn đe và đối thoại” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.  Nga phản ứng giận dữ trước động thái này của phương Tây, khi thực tế rõ ràng cho thấy trước cửa sân nhà của Moscow đang bị đe dọa. Và quyết định chuyển quân như thế này được xem là rất nguy hiểm.

Đây là một lực lượng sẵn sàng chiến đấu, được đào tạo liên tục để chuẩn bị di chuyển và ứng phó nhanh chóng trong bất kỳ tình huống nào. Vì vậy, chỉ cần sự cố liên quan đến an ninh, dù vô tình hay cố tình, nguy cơ bùng nổ chiến tranh giữa các bên là rất cao. Thực tế cho thấy, quân đồn trú của NATO chỉ cách thủ đô Moscow của Nga khoảng 600km. Các chỉ huy NATO khẳng định có thể quản lý mọi việc một cách an toàn, nhưng nhiều người vẫn lo ngại bởi chiến tranh có thể bắt đầu bằng một tai nạn hoặc hành động khiêu khích.

Phương Tây đã thực sự đang “mộng du” về những mối nguy hiểm về phía đông và việc điều quân lần này là không cần thiết bởi nó chỉ càng khiến mối quan hệ với Nga thêm căng thẳng và khó có thể hòa dịu. Nhiều người thậm chí tặc lưỡi cho rằng, có cảm giác như Mỹ, Anh và Pháp hiện là con tin của Ba Lan và chính phủ các quốc gia Baltic. Người khác chỉ trích, chính sách an ninh không trọn vẹn của các nhà lãnh đạo các quốc gia hàng đầu trong NATO là Mỹ, Anh, Đức, Pháp khiến an ninh thế giới trôi dạt khó kìm giữ.

Thanh Văn