Con đường dân lập

Thứ tư, 04/09/2013 08:46

(Cadn.com.vn) - Hiến đất làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới là câu chuyện không mới ở H. Hòa Vang (Đà Nẵng) trong thời gian qua. Tuy nhiên, với xã còn nhiều khó khăn như Hòa Phú, việc hiến đất càng có ý nghĩa hơn, đó là “lối mở” trong  nhận thức của người dân trong việc thoát nghèo. Ở xã miền núi này, kể từ khi chính quyền phát động toàn dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Bằng cách này hay cách khác, mỗi thôn, mỗi xóm đều có những cách làm hay, những việc làm cụ thể để tham gia một cách hào hứng và hiệu quả. Mới đây, việc làm con đường bê-tông dài gần 1.000m, rộng 4,5m băng qua cánh đồng mía rộng 70ha ở 2 thôn Hội Phước, Đồng Lăng có 100% hộ dân sản xuất đã tình nguyện hiến đất, mở đường.

Ông Hoàng Vi Thanh (thôn Đồng Lăng) cho biết, một trong những nguyên nhân người dân quê ông còn nghèo khó chính là giao thông đi lại khó khăn, vì vậy hiến đất mở đường chính là để người dân nơi đây thoát nghèo. Ông Thanh chia sẻ: “Giờ có đường bê-tông chạy qua ruộng mía, người dân mừng lắm, hộ tôi đã hiến hơn 200m2 đất canh tác, nếu địa phương yêu cầu hiến nhiều hơn tôi cũng sẵn sàng. Có đường rộng rãi, KT-XH phát triển, dân mới có điều kiện thoát nghèo”... Điều đáng  ghi nhận ở đây trong phong trào hiến đất mở đường là người dân đều vô tư hiến đất mà không mảy may toan tính thiệt hơn. Thậm  chí, có không ít gia đình là hộ nghèo thu nhập thấp và hộ quá tuổi lao động như hộ bà Lê Thị Thế, Trương Thị Nhị, ông Võ Văn Quý. Nhiều hộ mặc dù chưa có chủ trương giải phóng mặt bằng nhưng nhìn trước sự cần thiết sẽ phát triển đã tự nguyện thu hẹp lại mảnh đất canh tác của mình để nhường đất cho mở rộng đường nông thôn... Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã thấy được ý thức tự nguyện của người dân nơi đây như thế nào.

Người dân 2 thôn Hội Phước, Đồng Lăng (xã Hòa Phú) phá ruộng mía, hiến đất mở đường.

Theo ông Mạc Như Quýt, Trưởng thôn Hội Phước, để có được niềm tin, chung sức xây dựng nông thôn mới của người dân, một trong những yếu tố không thể thiếu là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc xây dựng mô hình dân vận khéo trong vận động nhân dân hiến đất, góp tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển giao thông đối với việc phát triển KT-XH của địa phương, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân. 

Điều quan trọng trong việc vận động nhân dân hiến đất mở đường ở địa phương không chỉ là nâng cao nhận thức của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân mà phải biết khơi thông sức dân trong việc xóa đói giảm nghèo. Phong trào hiến đất, làm đường giao thông ở Hòa Phú bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ cho việc đi lại và vận chuyển các sản phẩm từ nông nghiệp của nông dân được thuận lợi hơn mà còn góp phần tạo nên hình ảnh làng xóm văn minh, nâng cao ý thức của mỗi người dân, từng hộ gia đình về trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới.  Ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Qua mỗi lần tuyên truyền tận hộ gia đình, mỗi cuộc họp thôn xóm, người dân đã thực sự thấm nhuần và hiểu ra vấn đề, trong mỗi việc làm, mỗi công cuộc đổi mới, khi người dân đổi thay tư duy, chính là họ đang góp sức mình vào sự thay đổi của quê hương”.

An Dương