Con đường huyền thoại trong ký ức của Già Giơ Râm Un
Thăm lại chiến trường xưa
Già Giơ Râm Un năm nay tuổi đã xấp xỉ tám mươi, với hơn 60 năm tuổi Đảng, nguyên Bí thư huyện Ủy Nam Giang, nguyên Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam Đà Nẵng, phụ trách đoàn thanh niên Ban Giao vận các huyện miền núi Khu Nam Sơn thời chống Mỹ cho biết, trong suốt thời gian từ 11-1965 đến 10-1970, ông phụ trách lực lượng thanh niên tham gia bảo vệ tuyến hành lang đường Trường Sơn qua địa bàn các huyện miền núi, Quảng Nam. Nhiệm vụ lúc đó của ông và đồng đội là vận chuyển gùi cõng lương thực, vũ khí từ các binh trạm từ Bắc chuyển vào để phục vụ khắp các chiến trường ở Quảng Nam.
Trong một ngày tháng năm đầy nắng, cùng già Giơ Râm Un trở lại Bến Giằng - một vị trí đặc biệt quan trọng của tuyến đường Trường Sơn qua Quảng Nam, chúng tôi lần đầu tiên trực tiếp chứng kiến và được nghe câu chuyện về một thời oanh liệt. Lý giải vì sao Bến Giằng lại có vị trí chiến lược quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh qua Nam Giang, theo già Giơ Râm Un là bởi từ đây có thể tỏa đi các ngã, như về phía bạn Lào, về xuôi, qua cánh các huyện Phước Sơn, Trà My…Các lực lượng tiếp vận của ta có thể đi đường bộ nhưng cũng có thể đi đường thủy theo nhánh sông Bung đầu nguồn Vu Gia cung cấp vũ khí cho mặt trận 44 Quảng Đà, Thượng Đức, Nông Sơn…
Gần nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, thời gian bằng cả nửa đời người nhưng tâm trí già Giơ Râm Un không thể nào quên những tháng năm hừng hực khí thế cả đất nước lên đường ra mặt trận. Gian khổ vô cùng tận bởi, mọi việc đều với tinh thần hết sức bí mật từ việc đi lại đến nấu nướng, nghỉ ngơi. Mùa nắng nóng đã vất vả, mùa mưa, đường lầy lội, sên vắt, rồi những cơn sốt rét rừng hoành hành…, người sống lâu ở rừng có khi hàng tháng trời cho mỗi chuyến đi nên ai cũng trở nên xanh xao, gầy rộc, có người quỵ ngã vì mất sức, vì bệnh tật và cả bị phi pháo địch oanh tạc. Xúc động mạnh mẽ nhất là khi ông cũng như đồng đội của mình chứng kiến những chuyến xe vượt Trường Sơn đi vào mang theo khối lượng lớn vũ khí, lương thực cho chiến trường mà trước đây đều phải gùi cõng, xe thồ vô cùng vất vả.
Lội bộ trên tuyến đường mòn Trường Sơn năm xưa mà như lội bộ về quá khứ, già Giơ Râm Un bảo với chúng tôi, giữa mênh mông của rừng núi bây giờ thi thoảng ông vẫn nghe đâu đó tiếng còi xe, tiếng pháo bắn, tiếng khẩu lệnh hô lẫn trong tiếng đạn bom gầm rú của máy bay địch oanh tạc bằng bom tọa độ.
Già Giơ Râm Un cho hay, nhằm phục vụ cho phát triển du lịch địa chỉ đỏ của quê hương, tỉnh Quảng Nam đã cho lập dự án khôi phục 1,3 km đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Nam Giang địa phận xã Cà Dy. Dự án tuy chưa được phát huy nhưng những hiện vật được phục dựng và lưu lại trên tuyến đường đã làm sống lại ký ức những ngày tháng đã xa. Như một người lính già trở lại chiến trường xưa, già Giơ Râm Un như một hướng dẫn viên không giấu được niềm tự hào khi nói với chúng tôi về những phương tiện cơ giới còn lưu giữ trên tuyến đường mà ông bảo đó là những “chiến binh mặt đất”. Các loại xe tải quân sự này nói chung có khả năng leo đèo, lội suối tuyệt vời, đơn giản trong sử dụng, bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa, độ tin cậy và độ bền rất cao…
Tuyệt vời những “phi công mặt đất”
Theo già Giơ Râm Un, tuyệt vời hơn cả những “chiến binh mặt đất” đó là những chiến sĩ quả cảm của chúng ta –những “phi công mặt đất”, trong gian khổ khó khăn vô vàn nhưng vẫn lạc quan yêu đời. Trong mưa bom bão đạn, ung dung buồng lái ta ngồi, xe vẫn chạy, tất cả vì miền Nam thân yêu miễn sao trên xe còn có một trái tim. Từ lời giới thiệu và suy nghĩ của già Giơ Râm Un, tự dưng chúng tôi liên tưởng về hoàn cảnh ra đời của những vần thơ mà nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng là một chiến sĩ Trường Sơn khắc họa hình ảnh những chiến sĩ lái xe Trường Sơn.
Họ đã cùng với các lực lượng khác như công binh, thanh niên xung phong… đóng góp tuổi trẻ, xương máu của mình vào bản hùng ca giải phóng dân tộc. Làm sao không xúc động cho được trước hình ảnh những cô gái lái xe … “Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy/ Cái buồng lái là buồng con gái/ Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang/ Em đã qua và em đã sang/ Đẹp lắm đấy của những ngày đánh Mỹ/ Đất nước mình nhiều điều giản dị/ Ai chưa tin rồi sẽ phải tin”.
Trong nhiều tấm gương dũng cảm trên cung đường huyền thoại năm xưa, già Giơ Râm Un đặc biệt quý trọng một người con của núi rừng quê ông, đó là Alăng Bút. Alăng Bút sinh ra trong một gia đình nghèo, vì bệnh tật năm lên 10 ông bị mù cả hai mắt. Tuy mù nhưng tai rất thính, mỗi lần nghe các bạn cùng lứa kể chuyện giặc ném bom tàn phá buôn làng, rồi việc bạn bè cùng lứa lần lượt tham gia cách mạng, Alăng Bút năn nỉ mẹ cho tham gia tải đạn. Thời gian đầu tham gia công việc vận chuyển rất khó nhọc, phải mất hơn 3 tháng trời, ông mới quen được đường đi, lối về.
Năm 1967, Alăng Bút được điều động bổ sung vào Đoàn Trung Sơn trực thuộc Tỉnh đội Quảng Nam, điểm trực là kho 31 tại hang Khỉ, chân dốc Alơơl - ranh giới giữa huyện Hiên (Quảng Nam) và huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế). Có một nhà báo đã tính toán, trong suốt quá trình tham gia vận chuyển lương thực, tải đạn, nếu bình quân mỗi ngày đêm gùi khoảng 50 kg thì trong vòng 14 năm, từ năm 1958 đến 1972, Alăng Bút đã gùi khoảng 182 tấn hàng các loại, trong đó vũ khí là 120 tấn, lương thực 62 tấn. Bằng lòng yêu nước, ông đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. A Lăng Bút vinh dự đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Trong câu chuyện của già Giơ Râm Un quá khứ không hề bị lãng quên mà lắng lại niềm tự hào của một người con núi rừng xứ Quảng đã có những năm tháng đi qua thời hoa lửa, sáng mãi niềm tin yêu về một con đường của ý chí quyết tâm thống nhất non sông cho muôn đời con cháu mai sau.
Võ Văn Trường