Con đường tình yêu của Trịnh Công Sơn

Thứ ba, 22/11/2016 12:02

(Cadn.com.vn) - Tháng 11. Huế chưa lạnh. Dường như mùa Đông vẫn chưa về. Café “cóc” ngã tư Đoàn Thị Điểm và Nguyễn Biểu, nhìn bức tường thành đại nội loang lổ trong nắng chiều sắp tắt, tôi bỗng dưng nhớ đến con đường Phượng Bay trong ca khúc “Mưa hồng” nổi tiếng của Trịnh Công Sơn:

“… Em đi về cầu mưa ướt áo

Đường phượng bay mù không lối vào

Hàng cây lá xanh gần với nhau…”.

Có một thời, nếu sau này Trịnh Công Sơn không xác nhận, người Huế cứ nghĩ rằng, đường Đoàn Thị Điểm (đoạn nối dài từ đường Hai Ba Tháng Tám đến đường Tịnh Tâm) là con đường Phượng Bay. Được hình thành từ đầu thế kỷ XIX, cùng thời với việc xây dựng Kinh Thành, đường Đoàn Thị Điểm là con đường quan trọng nhất của Hoàng Thành. Từ năm 1945 trở về trước, tên gọi là đường Hiển Nhơn, sau năm 1956 đổi tên thành đường Đoàn Thị Điểm cho đến ngày nay. Con đường ngắn, ít dân cư sinh sống nhưng màu xanh mướt cây cối rất phù hợp với lối sống nhàn nhã, tư lự và trầm ngâm của người xứ Huế. Nằm bên cạnh khu vực hoàng thành, sự trầm mặc của dấu tích, nét thâm trầm đặc trưng của cố đô khiến cho đường Đoàn Thị Điểm trở nên thơ mộng, đẹp đến mê hồn:

“…Người ngồi đó trông mưa nguồn

Ôi yêu thương nghe đã buồn

Ngoài kia lá như vẫn xanh

Ngoài sông vắng nước dâng lên hồn

muôn trùng…”.

Con đường có “hàng cây lá xanh gần với nhau” là con đường nào ở Huế?

Chuyện kể rằng, ngày ấy, Dao Ánh (em ruột của Diễm trong ca khúc Diễm xưa) ở “bên tê” sông An Cựu, đêm đêm trốn nhà sang Phủ Cam về Bến Ngự thăm anh Sơn. Lúc tiễn về, Trịnh Công Sơn đưa chị đi theo con đường bên kia sông “có hai hàng phượng chụm đầu vào nhau”. Anh gọi đó là đường Phượng Bay, con đường tình yêu, đầy nhớ nhung của Trịnh Công Sơn và Dao Ánh. Con đường bên kia sông (An Cựu) là đường Phan Đình Phùng, ngang qua cung An Định hiện nay:

“Trời ươm nắng cho mây hồng

Mây qua mau em nghiêng sầu

Còn mưa xuống như hôm nào em đến thăm

Mây âm thầm mang gió lên…”.

Con đường tình yêu, đầy nhớ nhung của Trịnh Công Sơn ở Huế.

Thế nhưng, 2 con đường được nói đến có lẽ không đúng với những gì trong ca khúc “Mưa hồng” của Trịnh Công Sơn. Trước hết, đường Đoàn Thị Điểm (1965-1969) chỉ trồng toàn cây muối (cây nhội). Cắt vuông góc với đường Đoàn Thị Điểm là đường Tống Duy Tân (nay đã bị bịt lối) trồng toàn cây mù u. Còn phượng chỉ có dăm ba cây được trồng dọc bờ thành bên mé đường Đoàn Thị Điểm. Cho đến hiện tại, trên con đường này vẫn còn hàng trăm cây muối, trong đó hàng chục cây có tuổi 45-50 năm. Phượng rất ít, nếu có chỉ vài cây, còn phượng vàng bây giờ như chúng ta thấy là người ta trồng sau này thay thế cho những cây muối bị chết do quá già cỗi hoặc bị gãy đổ do mưa bão. Thứ hai, đường Phan Đình Phùng, trong trí nhớ của nhiều người, đường này có phượng, nhưng cũng chỉ là vài cây chứ không thể là hai phượng “mù không lối về” như trong ca khúc, chủ yếu trồng toàn muồng Xiêm.

Cuối năm 2000, hai phóng viên truyền hình HVTV Đinh Hiếu, Nguyên Hương và nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ đến thăm Trịnh Công Sơn tại nhà riêng trên đường Phạm Ngọc Thạch (Tp HCM). Trong cuộc phỏng vấn tình cờ này, Trịnh Công Sơn đã xác nhận, đường Phượng Bay đã gợi cảm hứng cho ông viết ca khúc “Mưa hồng” chính là con đường Lê Duẩn bây giờ, con đường ngày ấy rất đẹp, chạy ngang trước Phu Văn Lâu. Thật ra, trước năm 1975, đường Lê Duẩn (lúc đó gọi là đường Trịnh Minh Thế) kéo dài từ cửa Ngăn cho đến cầu Bạch Hổ rất  hẹp. Đây là con đường trồng phượng nhiều nhất ở Huế. Ngày ấy, hiếm xe   ô-tô, hầu như xe đạp, phượng hai bên đường đan vào nhau như những đôi tình nhân, tỏa  bóng mát bên dòng sông Hương thơ mộng. Có những buổi chiều, lá phượng rơi như mưa trên những tà áo dài của nữ sinh xứ Huế, đẹp đến mê hồn…

Cho dù các văn nghệ sĩ có tranh cãi đúng, sai xoay quanh chủ đề “đường phượng bay mù không lối về” nhưng những gì Trịnh Công Sơn để lại cho chúng ta là con đường tình yêu, đầy màu xanh và những cánh phượng hồng, mà giờ đây, những đôi tình nhân ngày ấy, có lẽ đã quá xa xăm:

“…Người ngồi xuống xin mưa đầy

Trên hai tay cơn đau dài

Người nằm xuống nghe tiếng ru

Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”.

Văn Khoa