Dinh xưa Chúa Tiên Nguyễn Hoàng:

Còn lại đây miên man ký ức

Thứ sáu, 25/10/2013 12:20

(Cadn.com.vn) - 1. Chiều sắp đông trên Cảng cửa Việt (Quảng Trị) bồi hồi đến lạ. Biển động, cột sóng cao hơn 2m, tàu cá ngư dân từ vùng biển Hoàng Sa vất vả rẽ sóng trở về cập cảng. Và cũng chính nơi này, tháng 10 của 455 năm trước, Nguyễn Hoàng cùng với 300 tráng đinh từ Thanh Hóa theo đường biển bằng chiến thuyền vào cửa Việt Yên (tức Cửa Việt) rồi đóng quân trên một bãi cát nổi thuộc Ái Tử.

Kể từ đây, Nguyễn Hoàng đã khởi đầu công cuộc khai phá Đàng Trong và các thế hệ chúa Nguyễn tiếp nối hoàn thành mở mang bờ cõi, biển đảo về phương Nam hình thành một nước Việt Nam hoàn chỉnh như hiện nay vào giữa thế kỷ XVIII. Là nhà chính trị tài ba, kiệt xuất người dân suy tôn ông là Chúa Tiên Nguyễn Hoàng với tất cả niềm tri ân và ngưỡng phục đối với một đấng minh quân. Tính từ tháng 10 năm ấy đến nay đã tròn 455 mùa đông, tìm về dinh cũ một thời Chúa Tiên dựng nghiệp, sự suy tôn trong lòng dân vẫn đậm sâu nhưng khắc khoải dấu tích kinh đô xưa  phai mờ, chỉ còn lại miên man trong ký ức và sử sách...

Cảng Cửa Việt một chiều sắp đông.

2. Chính trường đầy rối ren giữa các dòng họ Lê - Mạc, Mạc - Trịnh trên đất Bắc nửa đầu thế kỷ XVI đã đưa đẩy Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng đất Thuận Hóa từ năm 1558. Nguyễn Hoàng chọn vùng đất Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương (nay là TT Ái Tử, H. Triệu Phong) để lập trấn dinh đầu tiên. Người dân địa phương đã đón tiếp quan trấn thủ Thuận Hóa rất trọng thị nhưng do còn nghèo khổ nên bà con quà dâng lên chỉ là 7 chiếc vò lớn đựng đầy nước mưa. Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ, cậu ruột của Nguyễn Hoàng theo phò mừng mà thốt lên: "Đến một vùng đất mới mà được dân tình dâng nước ấy là điềm đại cát nên phải cố mà giữ lấy".

Quá trình dựng nghiệp, Nguyễn Hoàng chứng tỏ là nhà chính trị tài ba, kiệt xuất, với tầm nhìn sắc sảo, phi thường. Riêng với mảnh đất Quảng Trị, 56 năm Chúa Tiên gắn bó đã để lại mảnh đất này sự vẻ vang, tự hào, trong đó có 3 lần lập và dời dinh đều diễn ra trên đất Triệu Phong. Năm 1579, từ Ái Tử, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng quyết định dời sang Trà Bát (nay là Trà Liên, xã Triệu Giang, H. Triệu Phong), rồi năm 1600 lại dời về đông Ái Tử, tức Dinh Cát. Những lần dời ấy ông đều chọn vị trí không xa trấn dinh đầu tiên.

Nói về dấu tích lịch sử dinh xưa của Chúa Tiên, ông Hồ Viết Hy, Chủ tịch UBND H. Triệu Phong ngậm ngùi, trăn trở: "Trải qua những thăng trầm lịch sử, những cuộc chiến tranh tàn khốc, qua biến thiên thời gian, những dấu tích về địa điểm lỵ sở, thủ phủ của Chúa Nguyễn một thời chỉ còn là phế tích". Chưa kể nhiều dấu tích không dễ gì tìm ra, xác định. Từ Cửa Việt, chúng tôi lần theo tên làng Trà Liên, hỏi về tượng Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ, một người dân ngẫm nghĩ một hồi rồi reo lên: "A, tượng cậu Nguyễn Hoàng phải không, rứa thì đằng tê, phía trước một đoạn 500m thôi". Chúng tôi thật sự xúc động trước lối nói giản dị nhưng thấm đẫm tình cảm ấy.

Tượng người dân làng Ái Tử dâng nước biếu tặng cho Nguyễn Hoàng
ngày mới vào trấn thủ vùng Thuận Hóa.

Trước mắt là miếu thờ đặt tượng đồng Thái Phó Nguyễn Ư Dĩ, khiêm nhường bên con đường làng. Tượng đồng này được coi là 10 bảo vật quốc gia, tuy nhiều lần bị đánh cắp nhưng luôn được tìm về với bà con nơi đây. Điều đặc biệt, người dân Trà Liên nói riêng và Quảng Trị nói chung trân trọng và nâng niu bảo vật này bằng niềm tin linh thiêng và tin rằng Ngài Thái Phó uy tín, đức độ, tài ba năm nào phò Chúa Tiên vào xứ Thuận Hóa dựng nghiệp vẫn đang hiển hiện, giúp đỡ dân làng.

Nhìn hình ảnh của ngài Thái Phó, tức thì, ký ức lịch sử Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chợt kéo đến trong tâm thức. Chỉ hơn 10 năm đầu Chúa Tiên trấn thủ Thuận Hóa, vùng đất này thay da đổi thịt, bình yên. Chợ không bán hai giá, không có trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, quân lệnh nghiêm trang, trong cõi đều an cư lạc nghiệp. Sau này được giao kiêm trấn thủ xứ Quảng Nam, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng càng thể hiện sự tài ba, xuất chúng.

3.Trở lại Ái Tử, chúng tôi đến bãi cát Cồn Cờ, là nơi được các nhà nghiên cứu khảo sát và xác định chính là dinh Ái Tử xưa. Bãi cát Cồn Cờ nằm chếch về hướng thượng lưu sông Thạch Hãn. Ngoài ra, xung quanh khu vực này, dấu vết lại gắn với các địa danh mang các tên gọi như Cồn Kho, Mo Súng... Ở về phía nam bãi Cồn Cờ, thuộc phía tây sông Thạch Hãn có một ngôi miếu khá nổi tiếng bởi gắn với chiến công đánh thắng tướng Mạc là Lập Bạo của Chúa Nguyễn Hoàng trong những ngày đầu định dinh ở Ái Tử. Đó là miếu Trảo Trảo Phu nhân, tồn tại khá lâu trên thực tế lẫn trong ký ức người dân...

Như đã đề cập phần trên, dấu tích các dinh phủ thời chúa Nguyễn còn lại trên đất Quảng Trị hết sức mờ nhạt, bởi một phần được xây dựng đơn sơ, một phần khác trải qua thời gian khá dài... do đó các dinh phủ tồn tại dưới dạng các địa danh và trong ký ức. Một số di tích liên quan đã được xác định cụ thể trên thực địa thì cũng chỉ tồn tại dưới dạng địa điểm ghi dấu. Ông Hồ Viết Hy bày tỏ quan điểm: "Việc bảo tồn, tôn tạo di tích của chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong đặt ra yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết".

Tại hội thảo khoa học "Quảng Trị-Đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng" vừa được UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính mong muốn các nhà khoa học đóng góp những kiến giải, khuyến nghị về các giải pháp nhằm quy hoạch bảo tồn, tôn tạo các di sản chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị mà thời gian qua  do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến các di tích chưa được quan tâm nghiên cứu, bảo vệ và bảo quản, phát huy giá trị tương xứng với quy mô, tầm vóc vốn có.

Ông Nguyễn Đức Chính cũng nhấn mạnh cần có những biện pháp tuyên truyền, giới thiệu một cách hữu hiệu, những ai quan tâm đến giai đoạn lịch sử này, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu biết một cách toàn diện và có hệ thống về các di sản, di tích Nguyễn Hoàng và chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị. Qua đó nâng cao lòng tự hào quê hương, dân tộc, đoàn kết, gắn bó xây dựng quê hương phồn thịnh, xứng đáng với những gì lịch sử và tiền nhân đã gửi trao và phó thác.

Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng cho rằng ngoài di tích cần bảo tồn, chúng ta cũng nên nghĩ đến một ngôi đền, một công trình tạo hình và lễ hội nào đó để ghi nhận và tôn vinh công lao của Chúa Tiên. Hay thêm những con đường, trường học mang tên vị minh quân, ý kiến này cũng đang rất được nhân dân Quảng Trị hưởng ứng. Ái Tử, Trà Liên, mong chờ mai này trở lại...

Bài, ảnh: Bảo Hà