Con nghiện & con người
(Cadn.com.vn) - Quyết tâm xây dựng Đà Nẵng thành thành phố đáng sống, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng một TP văn minh, hiện đại. Trong đó, “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” là một mục tiêu phấn đấu đòi hỏi rất nhiều ở sự quyết tâm và đồng thuận cao.
Cứ gọi em là con nghiện!
Ngồi trước mặt tôi là một cô gái còn khá trẻ, mặc đồng phục màu xám tro của Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 Đà Nẵng. Dù cố ra vẻ “nai” với một bộ mặt khắc khổ, sợ sệt, nhưng tôi vẫn thấy ở cô toát lên một nét già dặn, lạnh lùng, bất cần. Phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Em cứ tự nhiên đi”, cô gái mới lấy lại cảm giác tự nhiên, thoải mái để kể cho tôi nghe về một phần quãng đời buồn tủi, lầm lỡ của mình. Hồ Hải Âu, cô gái vừa tròn 30 tuổi đời, nhưng đã có hơn 10 năm chìm ngập trong sự quay cuồng, điên loạn, mê mẩn của heroin và các loại chất ma túy khác. Sinh ra trong gia đình khó khăn, cha mẹ mất sớm, hai anh em cô sớm phải bươn chải với cuộc đời và rồi Âu lạc lối.
Mới 20 tuổi, Âu theo chúng bạn chơi bời, lêu lổng không cần biết đến ngày mai. Đang phơi phới tuổi đôi mươi, Âu bập vào ma túy và bỗng chốc trở thành thân tàn ma dại. Để có được cảm giác đê mê, hoang dại khi phê thuốc, Hải Âu đã làm tất cả bằng đủ kiểu để mỗi ngày được “lên tiên” vài lần. Đối với Hải Âu, thuốc không chỉ chảy trong từng thớ thịt, mạch máu mà thuốc đã thấm cả vào những khoảng không chỉ là vật thể của con người cô. 3 lần bị bắt quả tang đang sử dụng ma túy, 3 lần Hải Âu được đưa vào tập trung cai nghiện tại Trung tâm 05-06. Ra khỏi Trung tâm lần nào Hải Âu cũng cảm thấy khỏe mạnh hơn và hoàn toàn không có cảm giác cần thuốc. Vậy nhưng, lần nào cô cũng không thể từ chối với heroin được, chỉ vì: em thích chơi! Tôi hỏi Âu, ra ngoài đời, em sợ nhất điều gì? “Em sợ tất cả, nhưng cái mà sợ nhất là không có thuốc. Anh cứ gọi em là con nghiện. Mọi người rất tốt với em, em biết mình đã phụ lòng các cô, các chú” - Âu trầm buồn.
![]() |
Học viên Nguyễn Đình Vũ (giữa) trong giờ học thực hành nghề điện dân dụng. |
Khác với cái vẻ bất cần của Âu, Nguyễn Đình Vũ, một thanh niên có nước da trắng trẻo, khá đẹp trai (quê Đại Lộc, Quảng
Ngồi cùng với Vũ, quanh tôi là hơn 10 em của lớp học nghề điện dân dụng. Trò chuyện cùng tôi, tất cả đều tự tin, vui vẻ. Các em cho biết, hiện nay cuộc sống đã tốt lên rất nhiều, việc học nghề, hoặc lao động trị liệu giúp các em có thêm sức khỏe để có thể quên đi cơn nghiện và hấp thụ thuốc chữa bệnh tốt hơn. Vũ thẳng thắn, em không muốn gia đình, bạn bè, người thân coi em là con nghiện nữa, em phải là con người. Nhiều lúc em nghĩ vào đây mất tự do hơn, nhưng được yêu thương, chăm sóc, sướng hơn rất nhiều so với ở ngoài suốt ngày chỉ lo mỗi việc: Làm gì để có thuốc.
![]() |
Các học viên trong giờ lao động trị liệu. |
Em sẽ làm lại cuộc đời
Bác sĩ Nguyễn Văn Thuận - Trưởng phòng Y tế của Trung tâm, người đã có hơn 10 năm chuyên điều trị cho các bệnh nhân nghiện ma túy, cho biết: Hiện nay chúng tôi đang sử dụng phác đồ an thần của Bộ Y tế để điều trị cắt cơn, giãn cơn nghiện cho các em. Nhưng, nói thật đây là loại bệnh nhân đặc biệt. Thuốc men đối với họ chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ mà thôi, chúng tôi điều trị bệnh cho họ bằng các liệu pháp tâm lý và chủ yếu là bằng tình thương và trách nhiệm. Ngoài ra, chúng tôi đang áp dụng hình thức lao động nhẹ trị liệu, mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ để các học viên có các hoạt động chân tay phù hợp vừa tăng cường sức khỏe, vừa để cơ thể hấp thụ được thuốc. Công việc của chúng tôi ở đây giống như làm từ thiện. Chúng tôi thường nhủ lòng: Hãy làm thật tốt để giúp những con nghiện thành những con người thực thụ.
![]() |
|
Ông Lê Minh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Đà Nẵng cho biết: Trong 3 năm qua, thành phố đã tổ chức đưa 1.393 lượt người nghiện các chất ma túy vào Trung tâm cai nghiện. Qua cai nghiện, chữa bệnh, giáo dục và dạy nghề đã giải quyết về hòa nhập cộng đồng 1.253 học viên, đáng chú ý là có 359 người hết thời hạn quản lý sau cai nhưng không tái nghiện, các trường hợp khác sau khi hết thời gian cai nghiện tập trung đã hòa nhập cộng đồng và được chính quyền địa phương tiếp nhận tổ chức quản lý sau cai nghiện, nhiều trường hợp được hỗ trợ học nghề, tạo việc làm ổn định.
Những việc làm trên của chính quyền thành phố là nỗ lực rất lớn thể hiện sự quan tâm đến sự phát triển cân đối, bền vững hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố xanh sạch đẹp, văn minh, tiến bộ, thành phố đáng sống. Việc kiên quyết đầu tư và quan tâm cai nghiện thành công cho người nghiện ma túy cũng được xem là việc làm mang tính nhân đạo, vì lẽ: Giúp cho bản thân người nghiện có cơ hội cai được nghiện, hoàn lương làm lại cuộc đời. Sâu xa hơn, đó là giúp cho bao gia đình sum họp, làm cho cuộc sống của nhân dân được bình yên, ANTT được bảo đảm. Ông Lê Minh Hùng cho biết thêm: Việc đưa những người nghiện ma túy vào cai nghiện tại Trung tâm 05-06 ở Đà Nẵng đã được thực hiện một cách rất chặt chẽ, hiện nay có 2 hình thức cai nghiện là tự nguyện và bắt buộc. Đối với các trường hợp tự nguyện thì gia đình và bản thân người nghiện đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các thủ tục theo quy định. Riêng các trường hợp bắt buộc thì các đối tượng nghiện, hút bị bắt quả tang sử dụng ma túy sẽ bị lập hồ sơ theo một quy trình chặt chẽ, qua Hội đồng Tư vấn và cuối cùng là có Quyết định của Chủ tịch UBND TP.
Đà Nẵng đang thay đổi từng ngày, cuộc đời mỗi con người dù ít, dù nhiều cũng đang hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy hành động để giúp cho những cuộc đời lầm lỡ trở thành con người thật sự, sống có ý nghĩa. Tôi vui khi nghe Nguyễn Thị Hạ Quyên, một cô gái trẻ đang cai nghiện tại Trung tâm nói trong nước mắt: “Em sẽ làm lại cuộc đời, em sẽ về bán hàng, anh nhớ đến ủng hộ nhé!”.
Phóng sự: Giang Sơn