Còn nhiều khúc mắc

Thứ sáu, 24/04/2015 10:07

(Cadn.com.vn) - Dù các bên đã cởi mở hơn rất nhiều, nhưng xem ra vẫn còn quá nhiều khúc mắc trên bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran.

3 tuần sau khi đạt thỏa thuận khung tại Lausanne, Iran và các cường quốc P5+1 ngày 23-4 bước vào ngày hội đàm thứ hai của cuộc đàm phán tiếp theo nhằm tìm kiếm một giải pháp đi đến thỏa thuận lịch sử cuối cùng. Mục đích của nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực HĐBA LHQ cùng với Đức) là làm sao có thể khiến Tehran gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân và nếu có cũng dễ bị phát hiện. Và tất nhiên, nếu Iran cam kết từ bỏ tham vọng hạt nhân quân sự, đổi lại, họ sẽ được quốc tế dỡ bỏ trừng phạt.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, các cuộc đàm phán hứa hẹn sẽ rất cam go. Hôm 22-4, trong ngày thương thuyết đầu tiên, đại diện của Liên minh Châu Âu (EU) Helga Schmidt có cuộc đối thoại với Trợ lý Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi. Các bên đưa ra yêu cầu giảm 98% lượng nhiên liệu uranium được làm giàu mà Iran hiện có và giảm số máy ly tâm xuống còn 6.104, so với 19.000. Tuy nhiên, quốc gia Hồi giáo ngay lập tức bác bỏ cho rằng, con số này là quá “sức chịu đựng” và rằng, chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình. Bên cạnh đó, Iran cũng không cho phép các cơ quan kiểm soát LHQ kiểm tra chặt chẽ hơn các hoạt động làm giàu uranium của họ.

Tuy nhiên, vấn đề gai góc nhất hiện nay là các bất đồng xung quanh tiến độ dỡ bỏ trừng phạt và cơ chế cho phép tái lập trừng phạt trong trường hợp Tehran không tôn trọng các cam kết trong một thỏa thuận cuối cùng. Mọi thỏa thuận về vấn đề này vẫn nằm ngoài các thỏa thuận và các chuyên gia cảnh báo đây sẽ là một quá trình khó khăn.

Trên thực tế, ngay sau khi thỏa thuận khung đạt được, lãnh đạo tối cao của Iran - Giáo chủ Ali Khamenei - cảnh báo, thỏa thuận khung nói trên “không hề bảo đảm cho thỏa thuận cuối cùng. Bản thân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry - vốn rất lạc quan với bàn đàm phán lần này - cũng thừa nhận là chặng đường còn lại vẫn còn dài.

Nhưng người ta vẫn hy vọng. Một thỏa thuận hạt nhân Iran, nếu có thể được hoàn thiện đúng vào thời hạn chót 30-6 tới sẽ chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng 12 năm tuổi và có khả năng mở đường cho một quan hệ nồng ấm Mỹ-Iran. Dù rằng, điều này khiến các nước khác trong khu vực Trung Đông, nhất là Israel, không thoải mái.

Thanh Văn