Còn nhiều trở ngại
(Cadn.com.vn) - Sau nhiều ngày tháng đàm phán không mệt mỏi, Mỹ và Cuba chính thức đồng ý nối lại các mối quan hệ ngoại giao vào ngày 20-7 tới, bắt đầu bằng chuyến công du đến La Havana của Ngoại trưởng John Kerry, người sẽ trở thành Ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ đến thăm nước này trong 70 năm qua.
“Bước tiến lịch sử” giữa hai nước được Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố vào hôm 1-7 (giờ địa phương), trong đó nhấn mạnh một thỏa thuận nhằm nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba, đồng thời mô tả động thái này là “dẫn đến việc kết thúc lệnh trừng phạt kéo dài hàng thập kỷ của Washington đối với La Havana”. Được đóng dấu qua việc trao đổi thư giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro, thỏa thuận này chính thức hoàn thiện đầy đủ những cam kết mà giới lãnh đạo của 2 cựu thù thời Chiến tranh Lạnh đã “sản sinh” trong 6 tháng trước đây.
Theo đó, Mỹ và Cuba sẽ mở lại đại sứ quán tại thủ đô của mỗi nước, sớm nhất là vào ngày 20-7 tới. Ngoại trưởng John Kerry sẽ đến thủ đô La Havana, chính thức thượng quốc kỳ tại Đại sứ quán Mỹ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez sẽ chủ trì buổi lễ mở đại sứ quán lịch sử tại thủ đô Washington của Mỹ vào ngày 20-7 tới.
Cộng đồng quốc tế ngày 2-7 phản ứng tích cực trước việc Mỹ và Cuba tái lập quan hệ sau 54 năm và gọi động thái này là “dấu mốc lịch sử”. Giới phân tích cho rằng, việc khôi phục mối quan hệ ngoại giao giữa hai cựu thù này là bước đi quan trọng trong lộ trình hướng đến bình thường hóa quan hệ toàn diện hơn cũng như mang lại hòa bình và thịnh vượng cho người dân Cuba.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng thừa nhận, còn nhiều việc mà cả hai phải làm để đi đến con đường hoàn mỹ này. Khi mối quan hệ ngoại giao được phục hồi, Washington và Cuba sẽ chuyển sang giải quyết các vấn đề khó khăn hơn, mà giới phân tích cho là có thể phải mất nhiều năm. Chính phủ Cuba ngày 2-7 ra tuyên bố nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết để hai bên bình thường hóa quan hệ là Washington phải hủy bỏ lệnh bao vây cấm vận kinh tế đã áp đặt trong 53 năm qua lên đảo quốc Caribbean này.
La Habana cũng tuyên bố, ngoài việc xóa bỏ cuộc bao vây cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính, Washington cần phải trả lại cho họ phần lãnh thổ đang bị chiếm đóng trái phép làm căn cứ quân sự Guantanamo mà Mỹ đã thuê từ năm 1903. Cuba cũng yêu cầu Mỹ ngừng các chương trình phát thanh và truyền hình phát sóng trái phép vào lãnh thổ nước này cũng như các chương trình chống phá và gây bất ổn nội bộ quốc đảo này. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có thể hình dung một ngày khi Mỹ sẽ từ bỏ căn cứ quân sự gây tranh cãi này hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter nói là “không có hy vọng và không có kế hoạch, đối với căn cứ ở Vịnh Guantanamo ở Cuba”.
Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, dỡ bỏ cấm vận kéo dài đối với Cuba. Tuy nhiên, các lãnh đạo bảo thủ trong Quốc hội kiên quyết phản đối. Trong khi các nhà phê bình, bao gồm cả các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, cáo buộc Tổng thống Obama “đầu hàng” và “nhượng bộ” La Havana, thỏa thuận lịch sử với Cuba rõ ràng đánh dấu thành tựu ngoại giao lớn lao trong 2 nhiệm kỳ của vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ.
Thanh Văn