KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Còn nhiều ý kiến khác nhau về bổ sung cơ quan điều tra

Thứ tư, 03/06/2015 08:34

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) và thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức cơ quan điều tra, Luật Tạm giữ, tạm giam.

Có nên bổ sung thêm cơ quan điều tra?

Về quy định bổ sung trong dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự: Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, có hai loại ý kiến khác nhau. Các ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Bùi Mậu Quân (Hải Dương) và một số đại biểu khác đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. ĐB Bùi Mậu Quân cho rằng, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hiện nay rất thông suốt, trừ trường hợp một số ngành, lĩnh vực mà công an gặp khó khăn, nhưng cơ quan khác làm tốt hơn thì có thể bổ sung, nếu chỉ bổ sung 3 cơ quan này thì còn nhiều cơ quan khác. Ví dụ: Lĩnh vực tài nguyên môi trường, an ninh mạng... hiện nay cũng rất nhiều loại tội phạm liên quan. Nếu bổ sung thêm các cơ quan đó sẽ làm tăng đầu mối cơ quan điều tra, mà điều này lại không đúng với tinh thần cải cách là thu gọn đầu mối. Mặt khác, nếu các cơ quan Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành điều tra thì lại sinh ra điều tra viên và một loạt hoạt động tố tụng khác đi theo, trong khi cơ quan công an hiện nay vẫn đảm bảo được chức năng này.

Người bị tạm giữ, tạm giam được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản

Góp ý về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam, Trung tướng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng Lê Văn Hoàng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát kỹ hơn quyền con người để bổ sung vào quyền của người bị tạm giữ, tạm giam. ĐB đề nghị cần chỉnh sửa lại điểm a khoản 1 Điều 9 theo hướng, người bị tạm giữ, tạm giam được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản. ĐB đề nghị bỏ khoản 6 Điều 12, vì tổ chức bộ máy của trại tạm giữ, tạm giam công an, quân đội đã được quy định tại các Luật về sĩ quan quân đội nhân dân, Luật Công an nhân dân nên không cần thiết đưa vào luật này nhằm tránh chồng chéo không cần thiết. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị cần ghi rõ trong luật người bị tạm giữ, tạm giam bị hạn chế quyền gì, còn những quyền khác không bị luật hạn chế thì họ có quyền được hưởng. ĐB đề nghị cần phân biệt rõ quyền lợi, chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam phải khác với người đang thi hành án hình sự.

Phạm Hữu Hoa

ĐB Bùi Mậu Quân cũng cho rằng, khi phát hiện trên các lĩnh vực thuế, chứng khoán Nhà nước, kiểm ngư, kể cả những lĩnh vực khác thấy vi phạm thì các đơn vị thanh tra của các cơ quan này có thể phát hiện và giao cho cơ quan công an điều tra, tránh tình trạng họ điều tra ban đầu, thậm chí khởi tố vụ án, khởi tố bị can rồi chuyển sang công an tiếp tục làm, có khi phải làm lại từ đầu sẽ khó khăn cho cơ quan điều tra.

Các ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương), Đặng Thuần Phong (Bến Tre), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, đây là những cơ quan thuộc các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Do đó, các đại biểu này đề nghị bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo ĐB Thuyền, các cơ quan đó là những lực lượng trực tiếp làm những vụ liên quan đến công việc chuyên môn. Đặc biệt, hiện nay diễn ra tình trạng trốn và nợ đọng thuế rất nhiều. Vì vậy, giao cho cơ quan Thuế điều tra ban đầu rồi chuyển sang các cơ quan điều tra chuyên môn là hết sức cần thiết. Hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng là một cơ quan chuyên ngành sâu và hoạt động chứng khoán bây giờ cũng rất phức tạp, do đó cần thiết bổ sung Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm công tác điều tra ban đầu. Hay đối với lực lượng Kiểm ngư, mặc dù có Cảnh sát biển, nhưng mỗi đơn vị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

“Bổ sung thêm 3 cơ quan này tham gia điều tra ban đầu không ảnh hưởng đến quyền hạn của cơ quan điều tra Công an, Viện kiểm sát, mà góp phần tăng thêm trách nhiệm, làm cơ sở phát hiện thêm nhiều tội phạm trong lĩnh vực Kiểm ngư, Thuế và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”, đại biểu Thuyền nhấn mạnh.

Công khai minh bạch ngân sách

Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng), đề nghị : “Bổ sung, làm rõ vấn đề về phân quyền, phân cấp ngân sách. Mối quan hệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đảm bảo HĐND có thực quyền trong việc quyết định ngân sách địa phương trong phạm vi  được phân quyền... Tăng tính tự  chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi ngân sách được phân quyền. Bởi vì tính chất lồng ghép của hệ thống ngân sách Nhà nước mà nhiều chi, tiêu, thu, chi của ngân sách cấp dưới do cấp trên ấn định. Điều này đã không khuyến khích cấp dưới cân đối thu, chi, lập dự toán tích cực mà thường xuyên có xu hướng lập dự toán thấp, dự toán chi cao để được nhận hỗ trợ nhiều hơn. Trên thực tế chính quyền địa phương mới chỉ được ban quyền về tổ chức thực hiện chi ngân sách còn thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về Trung ương”.

ĐB Thân Đức Nam tham gia góp ý tại Hội trường. Ảnh: P.H.H

ĐB Thân Đức Nam góp ý, đối với Luật ngân sách Nhà nước đề nghị thể hiện khoản thu phí, lệ phí vào Luật ngân sách theo hướng các khoản phí, lệ phí do cơ quan hành chính Nhà nước thu gắn với chức năng quản lý Nhà nước thu vào ngân sách Nhà nước 10% và ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động cho cơ quan này.

“Dự thảo luật quy định nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ thu, chi, quan hệ giữa các cấp chưa thay đổi so với luật hiện hành. Nguyên tắc sau mỗi kỳ ổn định ngân sách các địa phương phải tăng khả năng từ cân đối phát triển ngân sách địa phương, thực hiện tăng dần về tỷ lệ điều tiết số thu nộp về ngân sách trên chỉ có thể thực hiện hiệu quả nếu đi kèm với cơ chế phân cấp trên. Về năng lực phát triển của từng địa phương, nếu áp dụng một cách cào bằng sẽ ảnh hưởng đến chiều hướng phát triển của nhiều thành phố lớn. Mặt khác, nếu không có nguyên tắc xác định, cơ sở ấn định tỷ lệ điều tiết số thu nộp về ngân sách cấp trên, sẽ dẫn đến cơ chế xin, cho của Trung ương và địa phương”, ĐB Thân Đức Nam nhấn mạnh.

Đặc biệt, ĐB Thân Đức Nam cho rằng cần công khai ngân sách Nhà nước và giám sát ngân sách Nhà nước của cộng đồng. “Ngân sách các cấp, các đơn vị sử dụng ngân sách dự toán cần phải kèm theo báo cáo thuyết minh công khai kết quả thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, công khai các thủ tục ngân sách Nhà nước, giám sát việc thực hiện ngân sách Nhà nước của cộng đồng. Tuy nhiên, tôi cho rằng tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước của đơn vị sử dụng ngân sách để bổ sung, quy định chế tài vào dự thảo luật”, ĐB Thân Đức Nam nói.

ĐB Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc, tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong quản lý thu chi ngân sách. “Bởi vì, thực tế trong thời gian qua có nhiều bộ, ngành quản lý, nhiều cấp ngân sách thực hiện, chưa phân định rõ phạm vi, trách nhiệm của từng cấp ngân  sách dẫn đến việc trùng lắp, chồng chéo, hiệu quả không như mong muốn. Đặc biệt, là các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo”, ĐB Vinh nêu. Về vay nợ của chính quyền địa phương, ĐB Trần Xuân Vinh cho rằng, quy định dư nợ tối đa bao nhiêu thì cần làm rõ hơn để đảm bảo an toàn ngân sách.

“Đề nghị luật bổ sung thêm các quy định về xây dựng hệ thống cảnh báo về nợ sớm đối với chính quyền địa phương. Hệ thống cảnh báo bao gồm có chỉ tiêu, tổng hợp phản ánh, kể cả về các vấn đề rủi ro về tài khóa, cũng như năng lực, khả năng về tài chính của các địa phương để vay nợ. Như vậy, các địa phương sẽ chủ động hơn trong thực hiện cho phép thu hút các nguồn vốn đầu tư”, ĐB Vinh góp ý.  

Lê Hoàng Sa – TTXVN