KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Trưng cầu ý dân để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Thứ sáu, 29/05/2015 07:56

(Cadn.com.vn) - Sáng 28-5, các ĐBQH đã nghe báo cáo về Luật Trưng cầu ý dân và thảo luận tại hội trường về dự Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Các ĐBQH thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo luật Tài nguyên Môi trường biển
và hải đảo. Ảnh: L.H.S

Để nhân dân quyết

Về Luật trưng cầu ý dân, ông Nguyễn Văn Quyền (Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam) cho rằng, luật này đã được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Điều 29 Hiến pháp cũng xác định rõ: “Nhân dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.  “Trọng dân, tin dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc là một trong những tư tưởng được thể hiện rõ trong truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, trong Tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Xây dựng Luật Trưng cầu ý dân góp phần thiết thực vào việc phản ánh và phát huy giá trị tư tưởng và truyền thống đó”, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quyền, có Luật Trưng cầu ý dân sẽ tạo khuôn khổ pháp lý cho người dân tham gia chủ động, tích cực, đông đảo và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Là phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Thực tiễn cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến nhân dân, để nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là cho đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân, mặc dù trưng cầu ý dân luôn là một quy định pháp lý hiến định. Việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân là cần thiết, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Bởi hiện nay đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật trưng cầu ý dân, Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đối với vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân (Điều 6), một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa, như cần chỉnh lý lại quy định của dự thảo theo hướng Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp thay cho “những vấn đề về Hiến pháp” để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 120 của Hiến pháp năm 2013.

Đề nghị lập Bộ Kinh tế biển

Tại phiên thảo luận về dự Luật tài nguyên môi trường (TNMT) biển và hải đảo, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, việc ban hành luật này là vô cùng cần thiết. Đề nghị Bộ GTVT cần xem xét tới việc xây dựng hệ thống kết nối giao thông giữa cảng biển với đường sắt để giảm tải cho đường bộ như hiện nay. Đặc biệt, ĐB Bùi Thị An kiến nghị: “Tôi muốn Chính phủ nên nghiên cứu để thành lập Bộ Kinh tế Biển. Đây là điều hết sức cần thiết trong điều kiện hiện nay”.

Trong khi đó, ĐB Lê Việt Trường (tỉnh An Giang) lại cho rằng, hiện nay khu vực Trường Sa (của Việt Nam) có các bãi đá nửa chìm, nửa nổi, đá san hô... vì vậy, dự Luật TNMT biển và hải đảo của chúng ta quy định những cái này vào là hoàn toàn phù hợp không có khúc mắc gì về Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.

“Khi quy định vào luật này thì không chỉ bảo vệ tài nguyên môi trường biển mà còn có thể vận dụng để bảo vệ chủ quyền. Ví dụ, Trung Quốc đang đổ hàng vạn mét khối bê-tông, cát sỏi xuống biển để biến các đảo chìm thành đảo nổi thì mình cũng có thể lên án họ đang vi phạm về môi trường biển, phá hoại hệ sinh thái... Rồi kêu gọi các nước ủng hộ bảo vệ môi trường biển đảo lên án Trung Quốc đổ  bê-tông, cốt thép xuống biển ảnh hưởng môi trường chẳng hạn” - ĐB Lê Việt Trường góp ý.

* Chiều cùng ngày, các ĐB làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Báo cáo thẩm tra dự án Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày khẳng định: Cơ bản tán thành với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật tố tụng hành chính, các quan điểm chỉ đạo, yêu cầu của việc xây dựng dự án Luật tố tụng hành chính được nêu trong Tờ trình. Dự thảo Luật có nhiều quy định mới, cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Theo chương trình, sáng nay (29-5), các ĐB  thảo luận ở tổ về hai dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán và Luật phí, lệ phí.

Lê Hoàng Sa