"Cơn sốt vàng" ở Sudan
(Cadn.com.vn) - Với nền kinh tế tả tơi, chính phủ Sudan mở cửa các hoạt động thăm dò khai thác khoáng sản mà không đưa ra các quy định hoặc giám sát nào.
Chỉ mới tờ mờ sáng nhưng Abdullah Isaac đã làm việc chăm chỉ trong nhiều giờ. Lội ra hồ nước sâu, người thợ mỏ trẻ dùng thủy ngân và cyanide để tách vàng khỏi đất đá. Kể từ khi rời thành phố quê nhà Nyala, nằm ở khu vực bị chiến tranh tàn phá Darfur, anh làm việc không mệt mỏi để cố gắng trả chi phí đã mua các công cụ và kiếm tiền. Hiện giờ, khu vực dân cư thưa thớt ở phía nam biên giới Ai Cập trở thành "miền đất hứa".
"Nhà sản xuất vàng lớn thứ 3 tại Châu Phi"
Sudan đối mặt với một tình thế khó xử tương tự. Sau khi giữ vững mức tăng trưởng khoảng 8%/năm trong những năm 2000, nền kinh tế hiện đang trong tình trạng bị phá hủy sau khi Nam Sudan tách khỏi vào năm 2011, khiến Sudan mất 75% thu nhập từ dầu mỏ.
Trong khi đó, xung đột lại bùng nổ gay gắt tại 7 trong số 18 tiểu bang. Chính phủ nhận ra sự cấp thiết phải phục hồi nền kinh tế và cố gắng thúc đẩy ngành công nghiệp khai khoáng, vốn ở trong bóng tối nhiều thập kỷ. Để thu hút các nhà đầu tư và khai thác mỏ quốc tế, chính phủ tuyên bố có tham vọng trở thành nhà sản xuất vàng lớn thứ 3 tại Châu Phi, sau Nam Phi và Ghana. Sudan sản xuất 4 tấn vàng trong năm 2009, 36 tấn trong năm 2014, và dự kiến đạt 74 tấn trong năm 2015. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có một số ít doanh nghiệp nước ngoài liều lĩnh lập doanh nghiệp khai thác mỏ ở Sudan.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ, áp đặt vào những năm 1990 khi Khartoum nuôi dưỡng trùm khủng bố Osama bin Laden, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đảm bảo các khoản tiền cần thiết để khởi động công trình xây dựng mỏ quy mô lớn. Một số Cty nước ngoài cảnh giác với các giao dịch rộng rãi với chính phủ Sudan, bởi tất cả số vàng khai thác được phải bán thông qua các ngân hàng trung ương hoặc của Tổng thống Omar al-Bashir, người đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã về tội ác chiến tranh.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với đầu tư nước ngoài dường như là mong muốn tách ra khỏi các Cty khai thác khoáng sản tại địa phương của các Cty nước ngoài, song dường như đây là "nhiệm vụ bất khả thi".
Các thợ mỏ nghiền đá thành bột sau đó kết hợp với thủy ngân để tách vàng. |
Nguy hiểm rình rập
Quản lý lỏng lẻo của chính phủ và không chấp hành các quy định về môi trường khiến nhiều Cty đổ chất thải khai thác mỏ - gồm cả thủy ngân và cyanide - dọc sông Nile.
Đến mùa lũ vào tháng 8, nước dâng lên và cuốn trôi các chất này về phía Địa Trung Hải. "Chúng tôi sợ nó sẽ thấm vào nước ngầm", Salah Abdel Rahman, một nhà bảo vệ môi trường hoạt động tại Abri - một cánh đồng khai thác vàng- cho biết. Ông Rahman cho biết, khả năng giàu có nhanh chóng thu hút thanh niên địa phương làm công việc khai thác vàng, dẫn đến việc thiếu hụt lao động nông nghiệp tại địa phương.
Vì không có bất kỳ luật an toàn sức khỏe nào được ban hành, cũng như không có sự trợ giúp y tế nào trong khu vực, nhiều lao động đang gánh hàng loạt các loại bệnh. Các nhà hoạt động địa phương nói rằng tỷ lệ ung thư đã tăng vọt do thủy ngân và cyanide. Chính phủ đang đặt niềm hy vọng phục hồi kinh tế vào các Cty khai thác mỏ nhỏ, mặc dù hầu hết đều thiếu chuyên môn. Cơ sở hạ tầng địa phương vẫn còn thiếu, và hầu hết các thợ mỏ đều khai thác thủ công, dựa trên kỹ thuật truyền thống.
Bất chấp những khó khăn, các doanh nghiệp trong nước bắt đầu bùng nổ. Bởi so với các khu vực bất ổn khác của đất nước, khu vực này là tương đối an toàn.
An Bình
(Theo Guardian)