Con tôm & 9 năm đòi công lý

Thứ năm, 12/09/2013 09:20

(Cadn.com.vn) - Ngày 10-9-2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra Quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá (CBPG) tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ giai đoạn từ ngày 1-2-2011 đến 31-1-2012. Trong quyết định này, DOC đã công nhận toàn bộ 33 DN xuất khẩu tôm của Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 này (POR7) đều không bán phá giá tôm trên thị trường Hoa Kỳ. Do đó, 33 DN đều nhận mức thuế 0%.

Để có được công lý, con tôm Việt Nam đã phải mất đến 9 năm trường kỳ đấu tranh. Năm 2004, tôm Việt Nam chính thức bị Hoa Kỳ áp thuế CBPG với mức thuế 4,57% cho các DN tham gia xem xét hành chính lần thứ 1 (16-7-2004 – 31-1-2006). Từ năm 2004 đến nay, trải qua 7 đợt rà soát cùng với nỗ lực bền bỉ của các DN tham gia theo đuổi vụ kiện, DOC cuối cùng cũng đã phải thừa nhận thực tế là các DN xuất khẩu tôm Việt Nam không bán phá giá và lần đầu tiên DOC đã quyết định mức thuế 0% cho tất cả các DN xuất khẩu tôm Việt Nam tham gia xem xét hành chính thuế CBPG.

Điều này đồng nghĩa DOC thừa nhận tôm xuất khẩu của Việt Nam có nguồn cung tốt cả về chủng loại lẫn kích cỡ và sự đa dạng về sản phẩm được người tiêu dùng Hoa Kỳ chấp nhận, ưa chuộng cùng với tôm các quốc gia khác. Nhiều DN Việt Nam đang cung cấp sản phẩm tôm cho hệ thống siêu thị tại Hoa Kỳ với chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

7 tháng của năm 2013, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ vẫn ổn định, đạt mức 337,6 triệu USD, chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 1,4 tỷ USD của nước này. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang các thị trường khác đang có mức gia tăng đáng kể, giá trị xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản tăng 11%, thị trường EU tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với quyết định cuối cùng POR7 của DOC, VASEP một lần nữa khẳng định rằng các DN xuất khẩu tôm Việt Nam đang và sẽ hoạt động theo đúng quy luật của kinh tế thị trường cũng như không nhận được bất cứ sự trợ giá nào từ phía Chính phủ. Vì vậy, đương nhiên DN tôm và sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được đối xử khách quan, công bằng, phù hợp với tinh thần thương mại tự do, bình đẳng cũng như quan hệ kinh tế.

C.T