Công an nhân dân Việt Nam - 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
Thượng tướng Tô Lâm,
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
1. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố các lực lượng vũ trang cách mạng. Ngay khi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng tám thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân, trên cơ sở các tổ chức tiền thân, Công an nhân dân chính thức thành lập gồm: Sở Liêm phóng ở Bắc Bộ, Sở Trinh sát ở Trung Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam Bộ. Trong tình thế đất nước "ngàn cân treo sợi tóc", phải đối phó với “thù trong giặc ngoài” Công an nhân dân đã lập nhiều chiến công xuất sắc; đóng góp quan trọng bảo vệ thành công Lễ Tuyên bố độc lập (02/9/1945) và cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (06/01/1946); kịp thời phát hiện, trấn áp, bóc gỡ nhiều tổ chức, đảng phái phản động, lập những chiến công xuất sắc, tiêu biểu là khám phá, tiêu diệt tổ chức phản cách mạng ở số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội), làm thất bại âm mưu đảo chính lật đổ chính quyền nhân dân do liên minh phản cách mạng Quốc dân đảng câu kết với thực dân Pháp tiến hành.
Trước yêu cầu bảo vệ tuyệt đối an toàn cho chính quyền cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL thống nhất lực lượng Cảnh sát và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ thuộc Bộ Nội vụ và bố trí theo ba cấp: Nha Công an Việt Nam; Công an Kỳ; Công an tỉnh. Giai đoạn 1948 - 1953, tổ chức bộ máy của Công an nhân dân có 03 lần điều chỉnh, Nha Công an được đổi tên gọi thành Thứ Bộ Công an, sau là Bộ Công an. Riêng Nam Bộ, tổ chức của Công an gồm có: Sở Công an Nam Bộ, các Ty Công an tỉnh, Công an huyện, Ủy viên Công an xã.
Thời kỳ này, Công an nhân dân đã kề vai, sát cánh với Quân đội nhân dân và quần chúng nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự vùng tự do, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, căn cứ địa kháng chiến và các chiến dịch quân sự trọng yếu; đồng thời trực tiếp chiến đấu, đánh sâu vào vùng địch tạm chiếm, phá tề, trừ gian, diệt ác, cùng toàn Đảng, toàn dân giành thắng lợi liên tiếp trong các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc, Lai Châu..., chiến thắng oanh liệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Để đáp ứng yêu cầu “khẩn trương, kịp thời, chắc thắng” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiệm vụ của Công an nhân dân được quy định ngày càng cụ thể, xác định rõ ba chức năng: tham mưu, quản lý nhà nước và trực tiếp đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự. Bộ Công an có 03 lần kiện toàn tổ chức bộ máy, được xác định là cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ; bước đầu phân định các lực lượng an ninh, cảnh sát; đến năm 1973, có 36 đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ, không có cấp Tổng cục. Ở miền Nam, gồm có Ban bảo vệ an ninh xứ ủy (sau là Ban an ninh Trung ương Cục) và Ban an ninh các cấp.
Do đó, Công an nhân dân đã thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; đánh bại chiến tranh phá hoại của địch ở miền Bắc; đồng thời tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam; kiên cường bám đất, bám dân, diệt ác, phá kìm, đấu tranh làm thất bại các kế hoạch tình báo, gián điệp, các hoạt động “bình định”, “chiêu hồi” của địch; bảo vệ các phong trào cách mạng của quần chúng, tiếp quản vùng mới giải phóng, góp phần quan trọng giành thắng lợi trên các chiến trường, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, gần 15 ngàn cán bộ Công an đã anh dũng hy sinh, hơn 5 ngàn đồng chí đã hiến dâng một phần xương máu, hàng trăm đồng chí bị địch bắt, tù đày, bị tra tấn dã man, trong đó có nhiều tấm gương chiến công bất diệt đã để lại sự khâm phục, tự hào trong nhân dân, như: Anh hùng, liệt sỹ Võ Thị Sáu, Anh hùng, Chiến sĩ điệp báo Nguyễn Thị Lợi (Công an Hà Nội), Anh hùng, liệt sỹ Bùi Thị Cúc (Công an Hưng Yên), Anh hùng, liệt sỹ Trần Văn Hoàng (Ban bảo vệ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định)...
2. Đất nước thống nhất, song những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội vẫn hiện hữu. Xác định rõ “Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc”[1], Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW, ngày 02/12/1980 về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; tổ chức bộ máy của Bộ Công an được kiện toàn một bước theo Nghị định 250/CP của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) gồm 04 Tổng cục (An ninh, Cảnh sát, Xây dựng lực lượng, Hậu cần) và 08 Vụ, Cục trực thuộc Bộ trưởng.
Công an nhân dân tiếp tục nêu cao tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng, củng cố chính quyền, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; dũng cảm chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; truy quét, vô hiệu hóa nhiều tổ chức phản động, bóc gỡ các mạng lưới gián điệp, tình báo do Mỹ, ngụy cài lại, đập tan kế hoạch hậu chiến của các thế lực thù địch, khám phá nhiều vụ án nghiêm trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Công an nhân dân tiếp tục được xác định là lực lượng vũ trang tin cậy, sắc bén của Đảng, Nhà nước, là nòng cốt trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, yêu cầu xây dựng trở thành lực lượng “chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến năm 2014, tổ chức, bộ máy của Bộ Công an 06 lần được kiện toàn, thành lập thêm một số đơn vị trực thuộc Bộ để tổ chức chuyên sâu; hợp nhất một số Tổng cục để đảm bảo tập trung, thống nhất.
Công an các cấp ngày càng chủ động hơn trong nắm, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ. Đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, tội phạm; giữ vững an ninh trên các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, tạo chuyển biến rõ nét về trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, rèn luyện lễ tiết, tác phong, siết chặt kỉ luật, kỉ cương, tăng cường đoàn kết, thống nhất nội bộ; gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Chỉ tính từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay đã có trên 200 cán bộ, chiến sĩ Công an anh dũng hy sinh, trên 900 đồng chí mang thương tật vĩnh viễn; tiếp tục khẳng định truyền thống vẻ vang “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
3. Kế thừa thành tựu, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng, trưởng thành; quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chủ trương đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; căn cứ các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ; Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo chỉ đạo, tiến hành từng bước thận trọng, bài bản, khoa học, khách quan trong nghiên cứu xây dựng Đề án 106, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 15-3-2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Triển khai tổ chức bộ máy của Bộ Công an theo Nghị định số 01/2018/NĐ-CP, gồm các đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là một bước quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Công an nhân dân, sắp xếp tổ chức bộ máy Công an nhân dân phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bố trí lực lượng và thực hiện tinh giản biên chế; giảm tầng nấc trung gian; đảm bảo tính Đảng, tính Nhân dân sâu sắc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, kế thừa và phát huy những ưu điểm của tổ chức, bộ máy trong lịch sử hơn 70 năm phát triển của ngành Công an.
4. Trước những thời cơ, vận hội mới, những khó khăn, thách thức to lớn của đất nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phấn đấu đưa nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra.
Toàn thể lực lượng Công an nhân dân tiếp tục khẳng định lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc và Nhân dân, với Đảng, Nhà nước; phát huy những thành tựu, kinh nghiệm và truyền thống anh hùng vẻ vang, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế- xã hội, đối ngoại, đảm bảo an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự, trong mọi tình huống.
Khẩn trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Chính phủ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phân định rõ vị trí, phạm vi chức năng, nhiệm vụ cơ bản của từng cấp Công an. Không tổ chức cấp Tổng cục, củng cố nâng cao chất lượng cấp Cục, sắp xếp, thu gọn các đơn vị sự nghiệp công lập, báo chí, y tế; sáp nhập các đơn vị Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với Công an tỉnh, thành phố; giảm đầu mối trực thuộc Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện; từng bước xây dựng Công an cấp xã chính quy. Qua đó, khắc phục được chồng chéo, chia cắt về chức năng, nhiệm vụ, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, tăng cường cải cách hành chính, tạo điều kiện để lực lượng Công an bám sát cơ sở, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở.
Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ theo các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII); tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đổi mới phong cách làm việc để thực sự gần dân, hiểu dân, gương mẫu trước nhân dân; thường xuyên lắng nghe, tiếp thu, tranh thủ sự góp ý, phê bình, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Qua mỗi thời kỳ, tuy có sự điều chỉnh, thay đổi, nhưng là quá trình phát triển có tính lịch sử, khách quan, để Công an nhân dân ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ “bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân”[2], phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước./.
T.L