Công an TP Đà Nẵng khuyến cáo người dân về hình thức lừa đảo “cho vay tiền”

Thứ sáu, 04/11/2022 06:33
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (viết tắt: Phòng ANM&CNC)- Công an TP Đà Nẵng tiếp tục thông tin đến người dân cách nhận biết, cảnh giác với hình thức lừa đảo cho vay tiền trên không gian mạng. Cạnh đó, hình thức đánh cắp thông tin khách hàng để chiếm quyền và rút tiền bằng việc mạo danh cơ quan chức năng, nhân viên cung cấp dịch vụ cũng có kịch bản mới.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với hình thức lừa đảo thông qua việc “cho vay tiền” trên mạng.
Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với hình thức lừa đảo thông qua việc “cho vay tiền” trên mạng.

Theo cán bộ nghiệp vụ của Phòng ANM&CNC- Công an TP Đà Nẵng, đối với hình thức lừa đảo “cho vay tiền”, đối tượng tạo các tài khoản Facebook quảng cáo cho vay tiền nhanh, lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, duyệt hồ sơ qua điện thoại... với mục đích thu hút nhiều người tham gia nhắn tin hỏi thủ tục vay. Khi có người quan tâm, nhắn tin về thủ tục vay, đối tượng sẽ yêu cầu nạp một số tiền nhất định vào chính tài khoản của người vay với lý do là để đảm bảo khoản vay. Sau bước dẫn dụ được “con mồi” đến thao tác này, đối tượng sẽ yêu cầu người vay cung cấp hình ảnh chụp hai mặt của chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Nếu người vay làm theo, các thông tin cá nhân trên giấy tờ sẽ được nhanh chóng thu thập, số tài khoản ngân hàng của nạn nhân được liên kết với tài khoản ví điện tử Momo của đối tượng. Sau thao tác này, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người vay cung cấp mã OTP để thực hiện việc liên kết. Với các tin nhắn kích thích, thuyết phục để người vay tin tưởng, một khi tài khoản được liên kết thì đối tượng sẽ nhanh chóng chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của người vay bằng cách chuyển tiền qua nhiều tài khoản trung gian hoặc sử dụng để mua hàng.

Cùng với hình thức “thả mồi” này, cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân về một kịch bản mới của chiêu trò lừa đảo bằng việc giả mạo số điện thoại, mạo danh cán bộ cơ quan chức năng, nhân viên cung cấp dịch vụ. Các đối tượng lừa đảo tiếp cận nạn nhân bằng việc giả mạo cán bộ của Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án hoặc nhân viên nhà mạng gọi điện gây sức ép, sau đó sử dụng nhiều kịch bản khác nhau để chiếm đoạt tài sản của người dân. Điển hình là thông báo đến người nhận điện thoại là có liên quan đến đường dây rửa tiền, buôn bán ma túy, xác minh số điện thoại có liên quan đến hoạt động lừa đảo, thông báo phạt nguội, gây tai nạn bỏ trốn. Nếu người dân tỉnh táo thì sớm biết đây là kẻ gian, nhưng chỉ cần có tâm lý lo sợ, bất ngờ hay muốn chứng minh mình vô can thì chúng sẽ dẫn dụ vào “ma trận”.

Cụ thể là chuyển cuộc gọi hoặc nối máy đến bộ phận khác tự xưng là “Công an Đà Nẵng”, “Cơ quan Cảnh sát điều tra”, “Cảnh sát Hình sự”, “PC02”. Các thông tin liên quan đến người nghe mà những đối tượng này đã thu thập từ trước sẽ được dùng để làm giả lệnh bắt, khởi tố để đe dọa nạn nhân. Chúng sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng đang sử dụng để hoàn thiện hồ sơ. Sau khi đã khiến nạn nhân mê muội, chúng sẽ dùng 2 hình thức để đi đến bước cuối cùng là chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Chiêu cũ là yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra hoặc yêu cầu nạn nhân tự đăng ký một tài khoản ngân hàng để chuyển tiền vào đó và cung cấp tài khoản, mật khẩu, mã OTP. Gần đây, nhóm đối tượng này dùng một kịch bản mới là hướng dẫn nạn nhân truy cập vào đường link trang web có chứa mã độc do chúng cung cấp hoặc tải và cài đặt một phần mềm mạo danh của Bộ CA. Ngay sau khi thực hiện thao tác này, chúng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện rút tiền trong tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt.

Lãnh đạo Phòng ANM&CNC- Công an TP Đà Nẵng khuyến cáo, trước tình hình các hình thức lừa đảo trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, người dân không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai nếu chưa rõ nhân thân, lai lịch; không truy cập vào các đường link trang web lạ. Cùng với đó phải thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân.

“Điều cơ bản nhất là cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án chỉ làm việc với công dân tại trụ sở, cơ quan làm việc, không bao giờ thực hiện qua điện thoại hay mạng xã hội. Cùng với đó, công dân không tham gia vay tiền ở các tổ chức không uy tín, nhất là các hình thức vay tiền online. Nếu nhận được các cuộc điện thoại, các hình thức tương tự từ người lạ thì nhanh chóng báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết”, lãnh đạo Phòng ANM&CNC cho biết.

BẢO NAM