Công bố Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016: Triển vọng tăng trưởng 6,0%

Thứ tư, 28/09/2016 07:49

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-9, hai định chế tài chính là Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đều công bố các báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2016.

Nông nghiệp cần thay đổi

Báo cáo của WB tại Việt Nam có chủ đề: “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào”.  Phát biểu tại lễ công bố Báo cáo, ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh, ngành nông nghiệp tạo ra sản phẩm nhưng cũng kèm theo một cái giá phải trả về môi trường. Đã đến lúc không thể “làm theo cách cũ” được nữa, tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước các hiểm họa thời tiết và nông nghiệp cũng tạo dấu ấn môi trường nghiệm trọng. Vì thế ngành nông nghiệp cần thay đổi để vượt qua những thách thức này, đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân được tốt hơn. Báo cáo Phát triển Việt Nam năm 2016 phân tích những cơ hội và thách thức trong ngành nông nghiệp cho thấy, ngành nông nghiệp và hệ thống lương thực nói chung của Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt. Tuy đã gặt hái được nhiều thành công và đứng trước vận hội lớn cả trong và ngoài nước, nhưng ngành nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về dân số, kinh tế và môi trường.

Theo Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016, để duy trì vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, đồng thời nâng cao giá trị. Báo cáo cũng đưa ra một lịch trình ngắn hạn và dài hạn nhằm tăng cường thể chế công và thể chế thị trường cần có để hoàn thành mục tiêu đầy tham vọng về phát triển nông nghiệp và hệ thống lương thực nói chung. Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016 ghi nhận sự tiến bộ vượt bậc của ngành nông nghiệp, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng nông sản, lương thực và nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu lớn nhất về thủy sản, gạo, cà-phê, chè, hạt điều, hạt tiêu đen, cao su và sắn.

Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2016 cũng chỉ ra rằng, chất lượng tăng trưởng nông nghiệp còn thấp, thể hiện qua một số hiện tượng như tỷ suất lợi nhuận của nông dân sản xuất nhỏ còn thấp, tỷ lệ thiếu việc làm còn cao trong lao động nông nghiệp, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm còn thấp, trình độ sáng tạo công nghệ và thể chế còn non yếu. Tăng trưởng nông nghiệp chủ yếu dựa trên tăng vụ và tăng sử dụng vật tư đầu vào (phân bón) và tài nguyên thiên nhiên (nước).

 

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick đưa ra một số nhận định: “Hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, cùng với giá cả hàng hóa toàn cầu thấp đã làm chậm nhịp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa đầu năm nay, nhưng các ngành khác có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Lĩnh vực chế tạo tăng trưởng hai con số do các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài mới đẩy mạnh sản xuất và tăng trưởng trong ngành dịch vụ do thương mại trong nước gia tăng, ngân hàng tăng cường cho vay và du khách đến Việt Nam tăng 25%”.

Nền kinh tế đang vận hành tốt

Cùng ngày, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết đã cập nhật đánh giá triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam năm 2016 và 2017, theo đó nền kinh tế Việt Nam tiếp tục vận hành tốt, nhưng đang bị cản trở bởi một số thách thức, do sự giảm sút của ngành nông nghiệp và khai khoáng trong nửa đầu năm 2016. Báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế Châu Á (ADOU) 2016 dự báo năm 2016, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,0% và năm 2017 đạt 6,3%. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng tăng trong 6 tháng cuối năm, nhờ sự gia tăng mạnh hơn của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự phục hồi nhẹ trong nông nghiệp và việc đẩy mạnh giải ngân các khoản chi đầu tư cơ bản trong các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia.

Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều thách thức, vẫn có một số vấn đề cần phải giải quyết để bảo đảm duy trì tăng trưởng bền vững. Làn sóng ngân hàng tăng cường cho vay gần đây củng cố thêm tầm quan trọng của những nỗ lực thắt chặt quy định nhằm ngăn chặn sự gia tăng các rủi ro của khu vực tài chính. Hơn nữa, để giảm nhẹ áp lực nợ công, Việt Nam cần củng cố chính sách tài khóa theo hướng tạo thuận lợi cho tăng trưởng, bao gồm hợp lý hóa chi thường xuyên và thắt chặt chi phí tiền lương cho khu vực công. Tỷ lệ chi hành chính trên tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng từ mức trung bình 8% trong giai đoạn 2007-2009 lên tới 11% trong giai đoạn 2013-2016.

Báo cáo lưu ý rằng thương mại vẫn là một điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại hàng hóa lớn, ước tính tương đương 8,2% GDP. Đây là bước cải thiện đáng kể so với năm 2015, phản ánh sự tăng trưởng tiếp tục trong xuất khẩu, trong khi nhu cầu nhập khẩu giảm bớt.

T.Thủy – TTXVN