Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018

Thứ năm, 28/03/2019 11:00

* Quảng Ninh đứng đầu, Đà Nẵng đứng hạng 5

Lễ công bố chỉ số này được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 28/3 tại Hà Nội. Được thực hiện năm thứ 14 liên tiếp, báo cáo PCI 2018 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại 20 địa phương của Việt Nam.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận danh hiệu quán quân về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019.

Đà Nẵng "rơi" 3 bậc

Ở vị trí dẫn đầu, Quảng Ninh đạt 70,36 điểm trên thang điểm 100, kế đến là Đồng Tháp 70,19 điểm, Long An 68,09 điểm, Bến Tre 67,67 điểm. Các tỉnh thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành đứng đầu bao gồm Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hà Nội và TP HCM. Đáng chú ý là sau nhiều năm giữ vững ngôi đầu, 2017 Đà Nẵng xuống vị trí thứ hai còn lần này "rơi" xuống thứ năm. Vị trí cuối bảng không có thay đổi so với năm trước, vẫn là Đắk Nông. Lần lượt từ cuối bảng lên sau Đắk Nông là Lai Châu, Bình Phước, Bắc Kạn, Kon Tum...

Điều tra PCI năm 2018 cho thấy một số lĩnh vực của môi trường kinh doanh có sự thay đổi tích cực hơn so với 2017. Chi phí không chính thức tiếp tục được cắt giảm, môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân có xu hướng bình đẳng hơn và cải cách hành chính đang chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng chính quyền cần nâng cao tính minh bạch của môi trường kinh doanh, tăng chất lượng đào tạo lao động, cải thiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tạo thuận lợi hơn nữa trong việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh, đặc biệt là nhóm thủ tục về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông và xây dựng.

Điều tra PCI năm 2018 cũng cho biết mức độ lạc quan của các doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh thời gian tới tiếp tục ở mức tương đối cao, 49% doanh nghiệp dân doanh và 56% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Tuy nhiên, cũng cho thấy dấu hiệu gia tăng của tỷ lệ doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ.

Việc ưu ái doanh nghiệp nhà nước đã giảm đáng kể

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, các xu hướng nổi bật đáng mừng của năm 2018 là: chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn. Việc ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp tư nhân trong nước đã giảm đáng kể. Các cấp chính quyền tỉnh nhìn chung đã trở nên năng động và sáng tạo hơn. Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến. Đặc biệt việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp đã giảm đáng kể so với mấy năm trước. Đó là các tín hiệu cho thấy các nỗ lực cải cách hành chính và chống tham nhũng đã phát huy tác dụng.

Qua điều tra PCI, Chủ tịch VCCI cho biết, mức độ lạc quan và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh vẫn được duy trì ở mức tương đối cao. 49,3% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh. 42,4% doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì quy mô hiện tại. Chỉ có 8,3% dự kiến giảm quy mô sản xuất kinh doanh hoặc đóng cửa (riêng đối với FDI thì tỷ lệ có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh cao hơn đạt tới 56%).

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều điểm đáng quan ngại. Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí bôi trơn. "Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn nhưng vẫn còn không ít gập ghềnh. Vẫn có tới 40% doanh nghiệp cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái doanh nghiệp Nhà nước và FDI hơn các doanh nghiệp tư nhân", ông Lộc nói.

Những quan ngại tiếp theo được Chủ tịch VCCI kể đến là việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% doanh nghiệp cho biết gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và các giấy phép phù hợp với tiêu chuẩn và các giấy tờ quy định khác.

Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải. Tính minh bạch, cũng theo phản ánh của doanh nghiệp còn ít được cải thiện. Chất lượng nguồn nhân lực và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chưa cao.

Các doanh nghiệp dân doanh nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân, việc khắc phục những điểm nghẽn thể chế và chính sách nêu trên vẫn cần là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Chính phủ và cơ quan chính quyền các cấp, Chủ tịch VCCI nêu quan điểm.

T.THỦY – VNE