Công bố nguyên nhân sạt lở bờ biển Đà Nẵng

Thứ năm, 14/01/2021 12:54

Sạt lở bờ biển Đà Nẵng xảy ra trong những năm gió mùa Đông Bắc kéo dài - đó là đánh giá ban đầu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng sau khi có kết quả khảo sát, phân tích nguyên nhân gây xâm thực, sạt lở nhiều điểm dọc bờ biển xảy ra trong thời gian qua. Trong cuộc họp thông tin về hiện tượng này vào chiều 13-1, lãnh đạo sở cũng cho biết cần có sự tham gia của các nhà khoa học đối với hiện tượng này nên sở sẽ báo cáo UBND thành phố cho chủ trương tiến hành nghiên cứu.

Sạt lở hút chân bờ kè, xói lở tận các hàng dừa bên bờ biển.

Theo bà Phạm Thị Chín – Chi cục Phó Chi cục Biển và hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường), đoạn bờ biển xuất hiện hiện tượng xâm thực, sạt lở từ cuối tháng 12-2020 đến nay nằm trên địa bàn hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn dọc theo tuyến đường Hoàng Sa -   Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, có chiều dài khoảng 16 km được cấu tạo bởi thành phần là cát bở rời. Qua kiểm tra thực tế, chi cục ghi nhận có 6 vị trí bị xói lở. Hiện tượng này cũng đã xuất hiện trong các năm 2017 và 2018 và tiếp tục trong thời gian   từ cuối tháng 12-2020 đến đầu tháng 1-2021.

Từ kết quả khảo sát, kết hợp với các dữ liệu trong một đề tài đang nghiên cứu trong những năm qua, ông Võ Nguyên Chương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng thông tin: xói lở tại khu vực bờ biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng to, gió mạnh và nước dâng trong bão, trùng với thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Đà Nẵng. Đến mùa khô, tức là mùa hoạt động của gió mùa Tây Nam, thì bãi cát được bồi trở lại. Khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 hàng năm thì các bãi cát dọc theo bờ biển đạt chiều rộng lớn nhất. Do đó, bờ biển Đà Nẵng đến thời điểm hiện nay tuy xuất hiện hiện tượng xói lở nhưng vẫn tương đối ổn định. Ông Chương cũng cho hay, tại các khu vực bị xói lở, nước biển có xu hướng xói sâu vào bãi biển, hình thành các vũng xoáy, ăn sâu vào bãi cát, thường xuyên bị dịch chuyển theo thời gian. Những năm gần đây, mức độ tác động của xói lở bờ biển khu vực Miền Trung có xu hướng tăng lên và phức tạp hơn cùng với xu thế gia tăng tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, gây ảnh hưởng đến hình thái bãi biển, hư hại nhỏ cho một số công trình tại khu vực ven biển. “Từ những khảo sát thực tế trong thời gian qua tích hợp với nghiên cứu của Chi cục Biển và hải đảo, chúng tôi nhận thấy năm nào gió mùa Đông Bắc càng nhiều, càng kéo dài thì hiện tượng xói lở càng mạnh. Năm nay hiện tượng này xảy ra trùng với khoảng thời gian có 3 đợt không khí lạnh kéo dài. Tất nhiên các bộ ngành trung ương cũng như thành phố đang tiến hành nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra kết luận khoa học, phục vụ cho các phương án khắc phục bền vững. Đây mới là kết quả của một khảo sát của Sở”, ông Chương cho hay.

Một hố sâu xuất hiện lần đầu trên vỉa hè dọc bờ biển trên đường Võ Nguyên Giáp.

Với câu hỏi hiện tượng sạt lở có liên quan đến việc các công trình khách sạn, nhà cao tầng dọc bờ biển hút nước ngầm khi xây dựng, hoạt động như một số ý kiến đã nêu trước đây, ông Huỳnh Vạn Thắng – nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, chuyên gia nghiên cứu về thủy lợi cho rằng có thể có ảnh hưởng, nhưng không phải là tác nhân chính. Theo ông Thắng, việc hút nước ngầm có thể gây sụt nén trong phạm vi hẹp ở chiều thẳng đứng tại vị trí các công trình, khó tác động ở khoảng cách hàng trăm mét. “Tuy nhiên cũng không thể bỏ qua những nguy cơ nào. Chúng ta cần một nghiên cứu tổng thể dựa trên các luận cứ khoa học để đề ra các phương án, kịch bản ứng phó”, ông Thắng lưu ý đồng thời cũng phân tích hiện tượng này nằm trong khu vực như một cái vịnh, khác với sạt lở ở cửa biển như Cửa Đại của Hội An, Quảng Nam.

Ông Võ Nguyên Chương cho biết, trước mắt Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, theo dõi thường xuyên, cập nhật số liệu về hiện tượng xâm thực bờ biển để kịp thời báo cáo UBND thành phố có các biện pháp xử lý thích hợp cho từng thời điểm cụ thể. Sở cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thành phố Đà Nẵng, trong đó, bao gồm việc tính toán, xác định khoảng cách xói lở bờ biển theo từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn, và khoảng cách thích ứng với nước biển dâng, từ đó xác định độ rộng của hành lang bảo vệ bờ biển. Do vậy, việc tuân thủ lập hành lang bảo vệ bờ biển với một khoảng cách được xác định khoa học sẽ giúp giảm thiểu và thích ứng với các tác động của xói lở, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn chế thiệt hại đến tài sản và cơ sở hạ tầng tại vùng bờ thành phố, đảm bảo hài hòa giữ phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai. Tại các khu vực bị sạt lở, hiện Sở và các đơn vị liên quan như chính quyền 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch tuyên truyền, khuyến cáo cho các hộ kinh doanh trên bãi biển chỉ thực hiện các công trình, cơ sở vật chất có tính cơ động để dễ dàng di chuyển nhằm hạn chế thiệt hại khi có hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra. Cùng với đó là cắm biển khuyến cáo người dân, du khách không tắm biển tại các khu vực bị xói lở để đảm bảo an toàn vì tại các khu vực này thường xuyên xuất hiện các dòng chảy chảy rút xa bờ.

“Về lâu dài, cần đánh giá tổng thể, đảm bảo cơ sở khoa học, đặc biệt chú trọng đến biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan xuất hiện trong thời gian gần đây, nhất là các yếu tố tác động khác trong mối quan hệ vùng, khu vực có nguy cơ gây sạt lở nghiêm trọng. Từ đó sẽ tham mưu thành phố có giải pháp nhằm chủ động giảm thiểu tiêu cực từ hiện tượng sạt lở này. Do đây là hoạt động chuyên môn sâu, cần có sự tham gia của các nhà khoa học nên Sở sẽ báo cáo UBND TP cho chủ trương để tiến hành nghiên cứu”, ông Chương cho hay.

CÔNG KHANH