Công bố nhiều phát hiện giá trị về khảo cổ

Thứ hai, 01/10/2018 11:34

Ngày 29 và 30-9, tại TP Huế, Viện Khảo cổ học (KCH), Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế tổ chức hội nghị công bố những phát hiện mới về khảo cổ học của Việt Nam năm 2018. PGS.TS Nguyễn Giang Hải, Giám đốc Viện KCH cho biết, hội nghị lần này với sự tham gia của gần 400 đại biểu là các nhà nghiên cứu KCH và các lĩnh vực khác thuộc khoa học xã hội và tự nhiên, cơ quan quản lý văn hóa, bảo tàng học trên toàn quốc. Hơn 350 báo cáo, tham luận được trình bày tại 4 tiểu ban gồm: Khảo cổ học tiền sử, khảo cổ học lịch sử, khảo cổ học dưới nước và khảo cổ học Chămpa-Óc Eo. Nội dung các báo cáo đề cập nhiều vấn đề mới về KCH trong năm 2018, như: thông báo mới về các di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê, phát hiện mũi khoan đá ở Hoa Lộc, những kết quả phân tích đầu tiên của chương trình hợp tác nghiên cứu về ADN trong KCH giữa Việt Nam và Đan Mạch... Theo PGS. TS Nguyễn Giang Hải, năm nay tiếng nói của công luận và cộng đồng về tình trạng các di chỉ KCH bị xâm hại cũng đã có kết quả, buộc các nhà quản lý không thể lẩn tránh trách nhiệm, như các trường hợp di chỉ Vườn Chuối hay của khu hào thành Cổ Loa. "Đã đến lúc Việt Nam cần có nhiều hơn nữa các hoạt động liên quan đến KCH cộng đồng, hướng đến việc tham gia của cộng đồng vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa"- PGS. TS Nguyễn Giang Hải nói.

Hình ảnh xương răng và vỏ nhuyễn thể được tìm thấy trong hang khai quật tại TX An Khê (Gia Lai). 

Năm 2018, Viện KCH tiếp tục phối hợp với Viện KCH- Dân tộc học Novosibirsk (Nga) và Sở VH- TT & DL Gia Lai khai quật KCH tại di tích sơ kỳ Đá cũ ở TX An Khê, Gia Lai. Kết quả khai quật lần này có tầm vóc quốc tế, chưa từng ghi nhận trong khu vực Đông Nam Á, đã gây chấn động giới khảo cổ, làm thay đổi cách nhìn của nhiều nhà khoa học trên thế giới. Kết quả khai quật cho biết đã tìm thấy di cốt hoàn chỉnh của một trẻ em khoảng 4 tuổi, ghi nhận lần đầu tiên tại Việt Nam phát hiện xương người tiền sử ở hang núi lửa, mở ra bước ngoặt mới cho nền KCH Việt Nam. Ngoài ra, tại đây còn phát hiện nhiều di vật đá, đồ gốm, xương động vật... chứng minh cho các hoạt động sống của bộ lạc thời tiền sử, sớm nhất có thể sơ kỳ Đá mới cách đây 6.000-7.000 năm. Trong lĩnh vực KCH Lịch sử, ở TT-Huế, Bảo tàng Lịch sử tỉnh và Viện KCH khai quật thăm dò di tích gò Dương Xuân nhằm bổ sung tư liệu, nghiên cứu giai đoạn lịch sử Tây Sơn - Nguyễn Huệ. Tại đây, đã phát hiện các di tích liên quan đến mộ táng, di tích nền, móng cát sỏi và kiến trúc đá. Kết quả này đã cung cấp thêm những tư liệu lịch sử về thời kỳ Tây Sơn. Bên cạnh đó, nhằm thu thập các cứ liệu khoa học, phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan, hoạt động khảo cổ cũng đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích này thời Nguyễn và một số dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1946 đến 1975.

Các hiện vật khai quật được tại di tích Bãi Làng (Cù Lao Chàm).

Theo PGS.TS Nguyễn Giang Hải, rất nhiều phát hiện giá trị về KCH được công bố lần này. Cụ thể, công tác khai quật di tích Bãi Làng (Cù Lao Chàm, Quảng Nam) cho thấy, Bãi Làng là một khu cư trú của người Chămpa với di vật chủ yếu gồm các loại hình vật dụng thường ngày như nồi, bát, cốc, bình, hạt chuỗi. Ngoài ra, những sản phẩm mang đặc trưng của con đường buôn bán trên Biển Đông như thủy tinh Islam, hạt chuỗi indopacific, gốm Đường... minh chứng Bãi Làng là một thương cảng trên con đường buôn bán Trung Quốc - Đông Nam Á - Tây Á vào thế kỷ IX-X. Liên quan đến văn hóa Óc Eo, cuộc khai quật di tích kiến trúc cổ An Phong (Bến Tre) đã làm rõ một phần nền móng kiến trúc đài điện Hindu giáo. Các hiện vật tìm thấy trong hố khai quật, thám sát và ở các vị trí xuất lộ bề mặt cho thấy sự liên quan trực tiếp đến đời sống cư dân cổ, dàn trải trong khung niên biểu khá lớn, ít nhất từ thời kỳ văn hóa Óc Eo cho đến các thời kỳ hậu Óc Eo và cả các thời kỳ muộn hơn. Ngoài ra, Viện Khảo cổ học còn phối hợp với Bảo tàng Đắc Lắc tiến hành khai quật thăm dò tại 3 địa điểm Chàng Hai, Sình Mây, buôn Tơ Roa (xã Cư A Mung, H. Ea Hleo). Kết quả cho thấy tầng văn hóa các di chỉ này khá mỏng, mang tính chất di chỉ xương có niên đại khoảng 3.000 - 2.500 năm cách ngày nay.

Theo các nhà nghiên cứu KHC, những phát hiện, nghiên cứu mới về KHC được công bố lần này là những cứ liệu vật thật giúp các nhà khoa học đi sâu tìm hiểu lịch sử hình thành con người và dân tộc Việt Nam. Qua đó góp phần tích cực trong việc bảo tồn, nghiên cứu, phát huy các giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam.

H.LAN