Công cụ đánh giá chính quyền điện tử Đà Nẵng: Trên hết là thước đo sự hài lòng của người dân!

Thứ năm, 19/12/2013 10:11

(Cadn.com.vn) - Nhân sự kiện Dự án Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Đà Nẵng được đánh giá đạt nhiều kết quả quan trọng với việc xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT và truyền thông đồng bộ và hoàn thành việc xây dựng 273 thủ tục hành chính công để chuẩn bị đưa lên hệ thống Cổng TTĐT (Portal) cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, du khách và cộng đồng doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT, Giám đốc Ban Quản lý dự án Phát triển CNTT và Truyền thông tại TP Đà Nẵng, cho rằng:

Ông Phạm Kim Sơn

P.V: Ông có thể cho biết về bộ công cụ đánh giá CPĐT Đà Nẵng?

Ông Phạm Kim Sơn: Chúng tôi đã dựa vào bộ 3 tiêu chí: Lựa chọn công cụ đánh giá phù hợp nhất cho dự án; sử dụng công cụ này để đánh giá trạng thái phát triển CPĐT tại Đà Nẵng; dựa trên các kết quả đánh giá, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực giám quản của chương trình phát triển CPĐT tại Đà Nẵng. Đến nay sau gần 1 năm triển khai, dự án đã đạt được 3 kết quả quan trọng nêu trên. Trong đó, chúng tôi đã triển khai và hoàn thành chương trình khảo sát rộng với quy mô bao gồm 3 đối tượng chính là các sở, ban, ngành quận, huyện, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người dân.

Trên cơ sở phân tích các kết quả khảo sát, chúng tôi đã đề xuất Khung đánh giá CPĐT eGAF và Công cụ đánh giá LimeSurvey. Khung và Công cụ này đã được đánh giá thử nghiệm tại các cơ quan đơn vị trong suốt thời gian khảo sát vừa qua. Việc hoàn thành kịp thời và đưa vào sử dụng Khung và Công cụ đánh giá đã giúp chúng tôi tự thực hiện các chương trình đánh giá đột xuất hoặc định kỳ hằng tháng, quý, năm về hiện trạng phát triển CPĐT tại Đà Nẵng, phát hiện những điểm mạnh để phát huy, cũng như những tồn tại cần khắc phục để góp phần ngày càng hoàn thiện hơn nền hành chính điện tử của thành phố.

Việc đánh giá còn giúp đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công được cung cấp; và quan trọng hơn là có thể tham mưu cho TP trong việc ra QĐ đối với các giai đoạn phát triển tiếp theo của Chính quyền điện tử TP. Đặc biệt, với những bất cập và hạn chế mà công cụ đánh giá thu hoạch được, chúng ta sẽ biết ngay cần làm gì trong thời gian đến để nâng cao mức độ phục vụ mà Chính quyền điện tử Đà Nẵng cần đạt đến. Và rõ ràng, Chính quyền điện tử Đà Nẵng sẽ là yếu tố đặc biệt quan trọng, góp phần tạo dựng nên một thành phố đáng sống. Và khi Chính quyền điện tử hoạt động đúng với mục tiêu và thông suốt, minh bạch, KT-XH sẽ có bước phát triển bền vững hơn; an sinh xã hội cũng được bảo đảm ở mức cao hơn. Đó cũng là những thành tố cơ bản của một thành phố đáng sống.

Trung tâm theo dõi các diễn biến giao thông tại Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông
và vận tải công cộng thuộc Sở GTVT TP.

P.V:  Vậy người dân đã đánh giá như thế nào về các dịch vụ công nói riêng, CPĐT Đà Nẵng nói chung hiện nay?

Ông Phạm Kim Sơn: Nhóm Tư vấn xây dựng bộ Khung và Công cụ đánh giá do ông Tang Kim Leng, một chuyên gia hàng đầu của Singapore trong xây dựng kiến trúc CPĐT và các cộng sự đã điều tra, khảo sát, thu thập và phân tích, đánh giá lượng thông tin có được từ 639 người dân, 77 doanh nghiệp, 7 sở, ban ngành, quận huyện và 31 cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn TP. Theo đó, người dân đã sử dụng các chức năng chính: tìm hiểu quy trình, thủ tục, thời gian, mẫu biểu liên quan, tải các mẫu biểu điện tử liên quan từ trang web để giải quyết các thủ tục... chủ yếu là thông qua cổng thông tin/ trang thông tin điện tử, bộ phận một cửa.

Trước mắt, đã đạt được những kết quả đúng như mong đợi và một phần nhu cầu của người dân, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Và đại đa số người được phỏng vấn sẽ sử dụng khi dịch vụ đáp ứng nhu cầu và tiếp tục sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, dịch vụ công trực tuyến đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho công chúng hơn là cung cấp một phương pháp mới để thực hiện các giao dịch trực tuyến giữa người dân và các cơ quan chính quyền. Tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ trực tuyến ở mức 3 và mức 4 còn thấp. Một lý do khác gây cản trở việc thực hiện các giao dịch trực tuyến là người sử dụng, đặc biệt là doanh nghiệp, có thể tương tác trực tiếp với cán bộ.

Từ năm 2009 đến 2013, TP đã triển khai 50 dự án về hạ tầng phần cứng và 100 ứng dụng phần mềm. Về phát triển ứng dụng, đã có 200/339 ứng dụng sử dụng giao diện Web đã được triển khai; 50/339 ứng dụng trên thiết bị di động được triển khai. Đặc biệt có 100/399 ứng dụng được triển khai dựa trên phần mềm nguồn mở.

Ngoài ra, người dân ít quan tâm đến việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến do trình độ, kỹ năng CNTT&TT chưa cao. Đặc biệt, người dân không sử dụng các dịch vụ trực tuyến chủ yếu là do không biết có loại hình dịch vụ trực tuyến được cung cấp. Dự kiến, trong thời gian đến, chúng tôi sẽ tổ chức các khóa huấn luyện và đào tạo các kỹ năng liên quan đến khai thác sử dụng bộ Khung đánh giá Chính quyền điện tử eGAF với bộ Công cụ đánh giá LimeSurvey, xây dựng chiến lược dài hạn để đồng bộ chiến lược CNTT và Truyền thông với chiến lược phát triển KT-XH trong tầm nhìn dài hơi hơn (đến năm 2020), phải hình thành nên một khung quản lý rủi ro (gây mất an toàn thông tin) và các quy định tối thiểu về quản lý; các hoạt động giám sát các dự án cũng như giám sát việc triển khai các yêu cầu khi đánh giá.

Từ đó, quy định rõ vai trò và chức năng đảm bảo an toàn thông tin, quy định quyền hạn và trách nhiệm của các cấp cán bộ và chuyên viên đến nhân viên đảm bảo an toàn thông tin, giám sát việc triển khai kiểm soát an toàn thông tin để giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao về CNTT&TT cho người dân, từng bước tạo nên thói quen sử dụng các ứng dụng trong chính quyền điện tử.

P.V:  Vâng! Xin cảm ơn ông về trao đổi này!

Lê Anh Tuấn