Cổng Dịch vụ công quốc gia - “kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính

Thứ tư, 20/05/2020 09:00

Ngày 19-5, Văn phòng Chính  phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp tại thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 395 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 232 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp.

Đại biểu tham dự hội nghị.

* Tính đến ngày 18-5, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có 37 triệu lượt truy cập; trên 142 nghìn tài khoản đăng ký, trong đó có 1.149 tài khoản của doanh nghiệp (trong tháng 3 và tháng 4, số lượng tài khoản tăng gấp 2 lần, mỗi tháng tăng trung bình 22 nghìn tài khoản); trên 7,5 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 71 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Cũng trong thời gian này, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tiếp nhận, hỗ trợ trên 11 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp; tiếp nhận, xử lý 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và hoàn thành xử lý gần 4.500 phản ánh, kiến nghị.

Một số nhóm thủ tục hành chính có tần suất thực hiện lớn và phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp như: đăng ký/thông báo khuyến mãi của doanh nghiệp, xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông, thủ tục liên quan đến bảo hiểm, thuế…

Cổng Dịch vụ công quốc gia giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí khi thủ tục hành chính của tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có thể thực hiện trên Cổng. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, từ ngày 12-5, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch, gồm: hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch. Đến nay, đã tiếp nhận 96 hồ sơ của doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ, trong đó có 2 hồ sơ đã được chuyển đến UBND cấp huyện, 31 hồ sơ chuyển đến Bảo hiểm xã hội xử lý, 63 hồ sơ đang được doanh nghiệp bổ sung thông tin; có 75 phản ánh, kiến nghị liên quan đến các dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (trong đó, có 70 phản ánh, kiến nghị của người dân, 5 kiến nghị của doanh nghiệp).

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, việc cung cấp dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch không chỉ giúp rút ngắn thời gian chi trả hỗ trợ, mà còn giúp giám sát các hành vi trục lợi, khai gian trong công tác này.

Bày tỏ phấn khởi trước thành công của Việt Nam trong kiềm chế dịch Covid-19 được ghi nhận trên toàn cầu, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, đây là thời điểm cần nêu bật bài học về sự cần thiết phải số hóa, cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng.

Đề xuất đẩy mạnh quá trình số hóa, ông Ousmane Dione cho rằng, Covid-19 giống như cuộc gọi thức tỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để đẩy mạnh việc này. Doanh nghiệp hoạt động trên môi trường trực tuyến sẽ gặp ít xáo trộn hơn. Theo ông, Chính phủ cần đơn giản hóa các quy trình nghiệp vụ, Chính phủ phải đóng vai trò như bệ phóng cho quá trình số hóa của các doanh nghiệp, để họ tiếp cận, sử dụng nhanh hơn.

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Vũ Thị Tuyến, Phó Ban Nghiên cứu phát triển thị trường, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông (VNPT VinaPhone) cho biết, là đơn vị xây dựng phát triển và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, VNPT cũng là đơn vị trực tiếp hưởng lợi ở dịch vụ này. Lợi ích thấy rõ nhất là tiết kiệm được thời gian, nguồn lực, công sức và chi phí. Chỉ riêng việc thông báo đăng ký khuyến mãi trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đã giúp VNPT tiết kiệm 200 triệu đồng/năm, khi phải thực hiện khoảng 300 thông báo khuyến mãi. Con số tiết kiệm của doanh nghiệp cả nước với riêng hoạt động thông báo khuyến mãi trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công này ước tính lên đến 1.500 tỷ đồng/năm. Trước kia, doanh nghiệp phải chuyển fax đến Sở Công Thương các tỉnh, còn hiện nay, doanh nghiệp khai báo điện tử và dùng chữ ký số, nộp hồ sơ duy nhất một lần với 63 Sở Công Thương.

"Thời gian chúng tôi thao tác trên Cổng chỉ mất tối đa 15 phút. Hoạt động đăng ký cấp quyền chữ ký số cũng rất đơn giản, chỉ điền phiếu đăng ký, cung cấp bản sao giấy đăng ký kinh doanh, bản sao chứng minh nhân dân người đại diện. Chi phí cho việc cấp chữ ký số cũng chỉ khoảng 1,8 triệu đồng/năm", bà Tuyến nói.  Để tạo thuận tiện cho các đơn vị và cá nhân sử dụng các ứng dụng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kể từ ngày 15-5, VNPT đã nâng gấp đôi băng thông kết nối.

CHU THANH VÂN