Cộng đồng làng chài ven biển An Bàng đạt danh hiệu Khách sạn Xanh ASEAN giai đoạn 2016 – 2018: “Bàn thắng” ấn tượng của du lịch cộng đồng
(Cadn.com.vn) - Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa trao giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN giai đoạn 2016 – 2018 đối với cụm nhà có phòng cho thuê (Homestay ASEAN) cho Cộng đồng làng chài ven biển An Bàng (TP Hội An, Quảng Nam), một trong 3 cụm homestay của Việt Nam lần đầu tiên đoạt giải. Là một làng chài còn khá lạ lẫm trên bản đồ du lịch, tại sao cụm homestay ở An Bàng lại có thể “ghi bàn” ấn tượng với những tiêu chí khắt khe của giải thưởng? Chúng tôi đã tìm đến làng chài An Bàng để tìm vế trả lời cho câu hỏi này.
* Tiêu chuẩn nhà có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN (Homestay ASEAN) được các nước thành viên xây dựng từ năm 2011 và công bố vào năm 2012. Hàng năm có 5 cụm homestay của mỗi nước thành viên được đề cử trao tặng danh hiệu này. Năm nay, lần đầu tiên, 3 cụm homestay của Việt Nam đoạt giải, được trao tặng danh hiệu Homestay ASEAN giai đoạn 2016 – 2018 gồm: Nhóm hộ dân cho thuê phòng homestay tại Bắc Hà, Lào Cai; Điểm du lịch cộng đồng xóm Lác, Mai Châu, Hòa Bình; và Cộng đồng làng chài ven biển An Bàng, Hội An, Quảng Nam. Homestay ASEAN phải đáp ứng các tiêu chuẩn về dịch vụ buồng phòng, quản lý, gần địa điểm du lịch, an ninh, an toàn và các nguyên tắc bền vững. |
“Hãy giữ An Bàng sạch”
Từ bãi biển An Bàng đi ngược vào đường lớn, rẽ phải ở ngã tư đầu tiên, chúng ta có thể bắt gặp một con đường bê-tông nhỏ dẫn vào một ngôi làng rất đặc biệt. Đó là làng homestay. Điều đặc biệt nằm ở chỗ, có thể cảm nhận được ngay rằng, cách làm du lịch của cư dân nơi đây tuân thủ nghiêm ngặt những tiêu chuẩn hướng đến môi trường và con người (cũng chính là tiêu chuẩn của giải thưởng Homestay ASEAN).
Chúng tôi đến với An Bang seaside village homestay, một trong những homestay được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động đầu tiên tại địa phương. Men theo bức tường đá chạy quanh khu lưu trú, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp mấy tấm bảng gỗ có dòng chữ: “Let’s keep An Bang clean” (Hãy giữ An Bàng sạch). Tấm bảng ấy, ít nhiều đã cho chúng tôi ấn tượng về ý thức bảo vệ môi trường của người dân làng chài. Một không gian tràn ngập màu xanh của cây lá hiện ra trong tầm mắt. Lối đi giữa những khu nhà trải thảm cỏ xanh ngắt. Không gian trong lành, mát mẻ với bóng các loại cây quen thuộc, rất thôn quê như mít, dừa, chuối, tre, khế... Và tuyệt nhiên, không có lấy một mẩu rác hay túi ni-lông rơi vãi.
Anh Lê Ngọc Thuận, người chủ trẻ của khu lưu trú chia sẻ: “Được đưa vào hoạt động từ cuối năm 2011, An Bàng seaside village homestay là thành quả của bao năm xây dựng, từ một làng chài nghèo trở thành một nơi phục vụ du lịch được du khách ưa chuộng. Nó tạo ra một cuộc sống mới cho nhiều người dân nơi đây, đồng thời cũng là hình mẫu để những nơi khác làm theo”.
Không gian xanh, sạch (ảnh lớn) cùng các vật dụng trông có vẻ “quê mùa” (ảnh nho) tại một homestay ở làng chài An Bàng. Ảnh: Phương Dung |
Dùng “văn hóa gia đình” làm du lịch
Chính những ý tưởng ngỡ như rất đơn giản, như câu khẩu hiệu đơn giản mà rành mạch “Hãy giữ An Bàng sạch” đã góp phần tạo dựng hình ảnh đẹp của làng biển ven Hội An, từng bước xác lập vị trí trên bản đồ du lịch. Bên cạnh đó, ở An Bàng, điều đặc biệt khác nữa chính là tạo nên một gia đình trong homestay, sử dụng văn hóa gia đình để làm du lịch. Chị Na (27 tuổi), một nhân viên lễ tân tại An Bàng nói với chúng tôi: “Ở đây, nhân viên giống một gia đình thôn quê lắm. Bác bảo vệ và cô nấu ăn trông như bố mẹ. Khách du lịch thường bảo tôi là con út trong nhà!”.
Trong lúc nói chuyện với chị Na, tôi quan sát thấy một hình ảnh khá thú vị: Trong gian bếp nhỏ nằm trên lối đi vào các phòng ở, có một phụ nữ tuổi đã ngoài 60 luôn mỉm cười thân thiện với tất cả mọi người. Đó là người sẽ phục vụ những món ăn truyền thống, như mì Quảng, cao lầu, bánh chuối... cho du khách lưu trú tại homestay. Hình ảnh này gợi nên liên tưởng về những bà mẹ, bà cô, bà dì... ở làng quê Việt Nam, với áo bà ba bình dị, nón lá nghiêng nghiêng, tóc búi củ tỏi được du khách cực kì yêu thích. Ngoài ra, điều cuốn hút sự lựa chọn của du khách chính là không gian trông có vẻ rất “quê mùa” mà gần gũi, từ cây cỏ trong khuôn viên cho đến các vật dụng trong phòng ốc như bàn ghế, kệ, tủ, đều làm bằng tre nứa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cụm homestay ở làng ven biển An Bàng hiện có sự góp sức của 3 homestay, được người dân địa phương gọi là “nhà hoa”, “nhà đại dương” và “nhà trái cây” với các dịch vụ chất lượng đã tạo ra nguồn lợi lớn cho phát triển du lịch ở Hội An nói chung và thu nhập cho người dân chài An Bàng nói riêng. Có thể nói, giải thưởng Homestay ASEAN là “bàn thắng” ấn tượng của du lịch cộng đồng của Hội An cũng như du lịch Việt Nam, khích lệ các cộng đồng dân cư phát triển mô hình này. Riêng tại An Bàng, với ba homestay hiện nay, các dịch vụ khác như nhà hàng, cà-phê, hay hoạt động du lịch cộng đồng gắn với chài lưới của người dân miền biển đang phát triển theo. Còn nhớ, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An từng tâm niệm: Phải làm cho người dân vùng ven Hội An có thu nhập cao. Sự thành công bước đầu của Cộng đồng làng chài ven biển An Bàng dường như cho thấy, tâm niệm của nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Sự, đến nay, hoàn toàn có cơ sở.
Phương Dung