Công nghệ thông tin Đà Nẵng: Bứt phá nhưng chưa xứng tầm

Thứ hai, 10/09/2018 10:01

Tạo sự bứt phá

Cuối tháng 8-2018, tại Vĩnh Long, Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hội Tin học Việt Nam công bố bảng xếp hạng Vietnam ICT Index 2018. TP Đà Nẵng một lần nữa được xướng danh để trở thành địa phương liên tục 10 năm liền đứng đầu cả nước về chỉ số “Sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông Việt Nam” (Vietnam ICT Index).

Ứng dụng CNTT, Cty Điện lực Đà Nẵng đưa Trung tâm điều khiển vận hành các TBA không người trực vào hoạt động.

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết “Từ đầu những năm 2000, nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, nâng cao hiệu quả công tác điều hành, quản lý và thực thi công vụ, góp phần thúc đẩy quá trình CNH-HĐH thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 06 để định hướng phát triển CNTT từng bước trở thành một trong những hướng đột phá phát triển KT-XH của TP. Với chủ trương, định hướng đó, TP đã ưu tiên nguồn lực, từng bước triển khai, chuẩn bị nền tảng sẵn sàng xây dựng chính quyền điện tử và TP thông minh”.

Nhìn nhận vấn đề này, tại một cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng đánh giá cao những kết quả vượt bậc của Đà Nẵng trong đầu tư, phát triển CNTT và nhấn mạnh, Đà Nẵng là địa phương tiêu biểu của cả nước đi đầu về ứng dụng và phát triển CNTT. Với thế mạnh toàn diện về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực và sự quan tâm sát sao của chính quyền TP, Đà Nẵng là một trong ba địa phương trọng tâm của cả nước ưu tiên đầu tư các khu CNTT tập trung theo Quy hoạch tổng thể phát triển CNTT tập trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Có thể thấy rằng, sau 8 năm đi vào hoạt động, Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng đã tự chủ được về mặt kinh phí, thực hiện nộp ngân sách nhà nước hơn 129,7 tỷ đồng, đạt 65,2% so với tổng mức đầu tư xây dựng Công viên phần mềm Đà Nẵng và đang duy trì tỷ lệ khai thác đạt 99%. Mức tăng trưởng của ngành công nghiệp CNTT ở Đà Nẵng cũng có những bước tiến ngoạn mục. Cho đến thời điểm hiện tại, TP có 3.041 doanh nghiệp có ngành nghề hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, chiếm gần 14% tổng số doanh nghiệp toàn TP, thu hút khoảng 24.500 lao động tham gia; trong đó có 635 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề chính và đang hoạt động SXKD trong lĩnh vực CNTT.

Chỉ tính riêng năm 2017, doanh thu công nghiệp CNTT đạt 14.400 tỷ đồng, trong đó doanh thu phần mềm và nội dung số, chiếm tỷ lệ 40,5% trong cơ cấu doanh thu CNTT. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm năm 2017 đạt 67 triệu USD, với mức tăng trưởng bình quân đạt 20-25%/năm và chỉ riêng ngành công nghiệp CNTT đã đóng góp khoảng 5% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Đà Nẵng.

Hiện nay, các doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực gia công, xuất khẩu phần mềm, thiết kế vi mạch, xây dựng các sản phẩm phục vụ chính quyền điện tử, gia công dữ liệu số theo quy trình doanh nghiệp (BPO), kiểm thử phần mềm, trò chơi trực tuyến… Một số doanh nghiệp phần mềm lớn, có thương hiệu, uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế như: FPT Software, Axon Active, Gameloft, Logigear, Magrabbit, Global Cybersoft, Enclave, AsNet, Asian Tech, NeoLab, Nippon Seiki…Thị trường kinh doanh mà các doanh nghiệp chú trọng phát triển là thị trường Nhật Bản, Mỹ (cùng tỷ lệ 36%), tiếp đến là các nước liên minh Châu Âu-EU và các nước Châu Á khác như: Trung Quốc, Singapore, Đài Loan.

Cần một nền tảng vững chắc

Như vậy, chỉ sau 4 năm kể từ năm 2000, khi thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban thường vụ Thành ủy, Đà Nẵng đã hoàn thành và đưa vào vận hành các hạng mục chính của Hệ thống thông tin chính quyền điện tử. Đà Nẵng là địa phương duy nhất trên cả nước xây dựng được hệ thống mạng truyền dẫn dành riêng cho Chính quyền điện tử, kết nối hơn 95 cơ quan, đơn vị, địa phương thông qua mạng đô thị thành phố (mạng MAN) có tổng chiều dài tuyến cáp quang trên 320km đi ngầm.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh cho biết, Đà Nẵng hiện là đầu mối viễn thông quan trọng của quốc gia và quốc tế. Hạ tầng CNTT TP khá hiện đại. Hệ thống wifi công cộng TP bao gồm 430 điểm phát sóng tại các khu vực trung tâm TP, đặc biệt là hai bên bờ sông Hàn, các điểm du lịch, khu vực công cộng. Bên cạnh đó, hạ tầng viễn thông công cộng tại Đà Nẵng có dung lượng lớn, sẵn sàng cho triển khai ứng dụng bao gồm: Đường kết nối Internet quốc tế qua đường cáp quang biển (SMW3, APG) và đường trên đất liền qua địa phận nước Lào, có tổng dung lượng lên đến 2.500 Gbps; nhiều công nghệ mới được triển khai như 3G, 4G.

“Trên cơ sở hạ tầng CNTT, nền tảng và ứng dụng cũng như về nguồn lực đã có sẽ là tiền đề và là cơ sở tốt cho việc triển khai thực tế mô hình xây dựng TP thông minh tại Đà Nẵng từ năm 2019”. Điều này thể hiện khá rõ khi TP Đà Nẵng đã có được kết quả thí điểm các ứng dụng thông minh trên lĩnh vực giao thông, ANTT và cứu hộ cứu nạn, cấp nước, giám sát môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, giáo dục, y tế…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, để tiến tới xây dựng TP thông minh, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung nhằm khai thác tối đa hiệu quả dữ liệu của các ngành. Quan tâm hơn nữa để có mặt bằng cho doanh nghiệp làm việc trên lĩnh vực CNTT và phải sớm có Công viên phần mềm số 2, chuẩn bị tốt cho Công viên phần mềm số 3.

Tại cuộc làm việc mới đây với Sở TT&TT và các ngành, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, hiện tại, Đà Nẵng chỉ mới dừng lại ở mức công nghiệp nhỏ chứ chưa có công nghiệp mang tính nền tảng, bền vững. Hiệu quả từ Khu Công viên phần mềm số 1 thuần túy chỉ quản lý làm gia công, góp phần giải quyết lao động, chưa sáng tạo để có sản phẩm phần mềm đóng gói, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. “Do vậy, cần phải chủ động, sáng tạo, ứng dụng và khai thác triệt để CNTT và phải xây dựng cho được khung kiến trúc, thu hút nguồn nhân lực tinh túy hơn để phát triển công nghiệp CNC, công nghiệp sạch, tạo nhiều điều kiện hơn nữa cho thành phố phát triển. Đó là kỳ vọng của thành phố và cũng là trách nhiệm của tất cả chúng ta” - Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa lưu ý.

Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ sở và nguồn nhân lực là điều rất quan trọng để làm cơ sở xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, bởi đây chính là nền tảng ứng dụng CNTT một cách có hiệu quả nhất. “Đà Nẵng đã quan tâm sớm và đi đầu trong ứng dụng CNTT nên những năm qua đã đạt được những chỉ số tốt, nhưng không được chủ quan. Từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng phải đối mặt với áp lực rất lớn từ vươn lên của các địa phương khác nên phải khẩn trương duy trì các chỉ số đã có; không được để tụt hậu. Có như thế mới góp phần cùng thành phố xây dựng thành công chính quyền điện tử, thành phố thông minh, đáng sống” - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh.

PHƯƠNG KIẾM