Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng

Thứ ba, 08/01/2019 08:09

Chiều 7-1, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Sihub) và Tập đoàn Milai Nhật Bản ký kết ghi nhớ hợp tác và giới thiệu "Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R của Nhật Bản". Dự án được Bộ Môi trường Nhật Bản hỗ trợ và Trung tâm môi trường thế giới của Nhật Bản (GEC) quản lý.

Xe vận chuyển rác 6R-MOT được thiết kế chạy bằng năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo từ rác hữu cơ.

Công nghệ 6R của Nhật Bản cho phép giải quyết bài toán xử lý rác hữu cơ để chuyển hóa thành điện năng hoặc nhiệt năng với hiệu suất cao. Hệ thống gồm 2 thành phần chính là hệ thống xử lý rác thải hữu cơ và xe điện thu gom rác, tạo thành chu trình khép kín với mục tiêu không phát thải CO2, xử lý hiệu quả rác thải hữu cơ.

Ông Nguyễn Văn Phú, Quản lý Dự án hợp tác giữa Sihub và Milai, cho biết: Dự án được triển khai từ năm 2016 và đi vào vận hành thử nghiệm tháng 6-2017. Đây là công nghệ chuyển từ mô hình xử lý rác tập trung sang phân tán, giải quyết ô nhiễm, tiết kiệm chi phí vận chuyển. Ngoài ra, công nghệ giúp xử lý rác hữu cơ tái tạo năng lượng hiệu quả cao, không gây ô nhiễm. Hiện công nghệ này đã nội địa hóa được khoảng 80 – 90%. Hiệu quả dự án cũng đã được Sihub triển khai kiểm chứng trong hơn 5 tháng xử lý mẫu nguồn rác từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Ưu điểm nổi bật của công nghệ là xử lý rác thải hữu cơ thành điện năng và phân hữu cơ tùy vào nhu cầu; công suất của thiết bị từ 100 kg đến 25 tấn/ngày/máy, có thể sử dụng ở vùng biển đảo, nông thôn, thành phố giúp tiết kiệm nhiều chi phí vận chuyển rác thải.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Sihub, cho biết: Công nghệ này khá phù hợp với tính chất rác thải của TP Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam khi chất thải thực phẩm chiếm tỷ lệ khá cao từ 83 – 88,9% thành phần chất thải rắn. Trong thời gian tới Sihub và Tập đoàn Milai sẽ hợp tác, chuyển giao công nghệ và nội địa hóa công nghệ này tại Việt Nam.

Theo ông Ichiro Hatayama, Chủ tịch Tập đoàn Milai, công nghệ này được nghiên cứu, thiết kế tại Nhật Bản và chế tạo gần như toàn bộ tại Việt Nam. Trong tương lai, công nghệ sẽ được thiết kế, chế tạo (sản xuất) ngay tại Việt Nam. Milai và các đối tác sẽ áp dụng và nhân rộng công nghệ này tại Việt Nam.

TIẾN LỰC