Công nhận hai di sản văn hóa của dân tộc Cor

Thứ tư, 05/08/2015 08:46

(Cadn.com.vn) - Ngày 3-8, UBND H. Bắc Trà My (Quảng Nam) tổ chức lễ đón nhận bằng của Bộ VH-TT&DL công nhận nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu của đồng bào dân tộc Cor là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là sự ghi nhận kịp thời và xứng đáng của Nhà nước đối với cộng đồng người Cor, đồng thời là niềm tự hào và vinh dự lớn của cộng đồng người Cor tại H. Bắc Trà My.

Già làng người Cor vui mừng khi nghi thức dựng cây Nêu và bộ Gu
được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo số liệu tổng điều tra dân số gần đây nhất, nước ta hiện có gần 39 ngàn người dân tộc Cor, cư trú tại 25 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Người Cor cư trú tập trung nhiều nhất tại các tỉnh: Quảng Nam và Kon Tum. Trong đó, tại tỉnh Quảng Nam, người Cor có khoảng hơn 5.300 người, cư trú nhiều nhất tại hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Riêng tại H. Bắc Trà My, cộng đồng người Cor có khoảng gần 4.000 người, định cư và sinh sống chủ yếu xung quanh dãy núi Răng Cưa thuộc hai xã Trà Nú, Trà Kót và một phần tại xã Trà Giáp.

Theo tiến trình lịch sử, những nét văn hóa đặc sắc của người Cor đã được giữ gìn qua nhiều thế hệ. Trong đó cây Nêu và bộ Gu truyền thống là biểu tượng tâm linh, có vị trí đặc biệt quan trọng và xuyên suốt, không thể thiếu trong các hoạt động lễ hội như tết mùa, lễ cúng giỗ ông bà, tổ tiên hay tế cúng thần linh của người Cor. Cây Nêu thường được đặt ở giữa sân, mỗi cây Nêu hoàn thành có chiều cao trung bình từ 5 đến 9m và đều có 3 phần chính gồm đỉnh; thân cây với các gu, mâm cúng, chuỗi hạt cườm và phần gốc. Đối với cây Nêu truyền thống, theo các vị già làng cao niên của người Cor, cây Nêu có 3 loại gồm: cây Nêu (Ô zô) cúng giỗ ông bà tổ tiên; cây Nêu (Ô rát) ăn trâu lá, cúng các vị thần sông, thần suối, thần núi và cây Nêu (Ô cờ trấu) ăn trâu huê, cúng thần trời, thần đất, thần nước. Cây Nêu là thành phần quan trọng nhất trong các lễ hội của người Cor, là tâm điểm cúng tế ngoài trời và được chuẩn bị rất cẩn trọng, kéo dài hàng tháng trời với nhiều người có kinh nghiệm cùng tham gia.

Lễ cúng truyền thống của người Cor.

Nếu như cây Nêu truyền thống được người Cor xem là tâm điểm nghi thức cúng tế ngoài trời thì bộ Gu, thường được làm bằng gỗ, người Cor lại xem đó là tâm điểm của nghi thức cúng tế ở trong nhà. Gu là một đặc điểm riêng của văn hóa dân tộc Cor, khác với các tộc người khác. Người Cor có 4 loại Gu gỗ rất độc đáo, thường chỉ treo trong nhà gồm: Gu Bla treo giữa nhà; Gu Mók treo ở cửa ra vào nhà; Gu Mók Tum treo ở cửa ra vào bếp và Gu Tum treo ở giữa bếp. Mỗi tấm, nhánh của Gu đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của những nghệ nhân người Cor khéo tay, mô phỏng, tái hiện cuộc sống đời thường nơi người Cor sinh sống và quan niệm của họ về các thần linh, vũ trụ, tín ngưỡng, niềm tin...

Tại buổi lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể các già làng người Cor đã tổ chức cúng bái với những nét độc đáo rất riêng của người Cor. Những già làng có kinh nghiệm ngồi thành một vòng cung trong khi đó người lớn tuổi nhất sẽ đảm nhận vai trò làm lễ. Lần lượt 4 con gà sống được đưa vào để đọc lời khấn, mỗi con gà tương đương với những ước mong của người Cor về một cuộc sống no đủ mùa màng bội thu. Tiếp theo đó là nghi lễ cúng gà chín cũng với số lượng 4 con được đặt trong tráp có kèm theo một ống rượu nhỏ. Cùng lúc đó dân làng bao gồm đội chiêng, trống và những cô gái dân tộc Cor bắt đầu nhảy múa những điệu truyền thống xung quanh bộ Gu được treo giữa nhà. Khi nghi thức cúng lễ kết thúc, cả khách và gia chủ hòa mình trong men rượu cần.

Có thể nói rằng cây Nêu, nghi thức dựng cây Nêu và bộ Gu là tổng thể những nét văn hóa tinh túy, riêng biệt, độc đáo nhất và xuyên suốt trong đời sống văn hóa tâm linh, ý nguyện, niềm tin của người Cor. Người Cor đã gìn giữ, bảo tồn và phát huy cho đến ngày nay và mai sau là một quá trình rất dày công, trách nhiệm, thể hiện được sự tự tôn, tự hào, ý thức hệ cao, uyên thâm của cộng đồng người Cor ở Bắc Trà My. Đây sẽ là bệ phóng tinh thần vô giá để cộng đồng người Cor cũng như toàn thể các dân tộc anh em tại H. Bắc Trà My tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đa sắc màu.

Đồng Dao