Công nhân KCN Điện Nam-Điện Ngọc: Khao khát những ngôi trường mầm non
(Cadn.com.vn) - 2 xã Điện Nam Bắc và Điện Ngọc (H. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là nơi tập trung các công ty, nhà máy thuộc khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc có quy mô khá lớn, thu hút hàng chục ngàn lao động.
Ngoài việc thiếu các thiết chế về văn hóa, thể thao... việc không có trường mầm non khiến nhiều gia đình công nhân lao động gặp khó khăn. Họ phải gửi con vào các nhóm trẻ tư thục được cấp phép lẫn không được cấp phép hoạt động, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ.
Các trường Mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ gia đình đua nhau mọc lên nhưng không đảm bảo điều kiện chăm sóc và giáo dục trẻ. |
Nỗi niềm công nhân lao động
Hầu hết công nhân lao động đang làm việc tại KCN Điện Nam-Điện Ngọc đều không gửi được con vào trường mầm non công lập, bởi các trường đang quá tải, không tiếp nhận trẻ. Nhiều gia đình phải gửi con vào các nhóm trẻ gia đình, hoặc gửi con về quê nhờ ông bà trông nom.
Chị Trần Thị Liên (quê Châu Đốc, Long Xuyên) cùng chồng làm việc tại một công ty trong KCN, ngậm ngùi: "Ở trong KCN không có trường mầm non cho con công nhân lao động. Nếu không gửi các cháu ở các nhóm trẻ gia đình thì biết gửi vào đâu để đi làm?".
Mong muốn được gửi con vào các trường mầm non là nhu cầu chính đáng của nhiều công nhân lao động tại KCN, bởi điều kiện chăm sóc và giáo dục trẻ bảo đảm tốt hơn ở các nhóm trẻ gia đình. Anh Phan Ngọc Quý, công nhân Cty Dệt lưới Hồng Hải mong muốn: "Công nhân chúng tôi ai cũng mong muốn con cái mình được gửi vào trường có điều kiện tốt. Ngoài việc an tâm về chất lượng nuôi dạy, vừa giảm bớt gánh nặng học phí, ăn uống cho trẻ hằng tháng, phù hợp với thu nhập của công nhân".
Có con trai gần 18 tháng tuổi nhưng không biết gửi con vào đâu nên gần 2 năm nay chị Nguyễn Thị Hiền (quê Duy Xuyên) buộc phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc con. Chồng chị cũng đang làm công nhân cho một công ty thuộc KCN. Thu nhập gia đình vì thế giảm gần một nửa, đời sống gặp nhiều khó khăn.
"Ở khu trọ này cũng có 2 gia đình công nhân lao động có con nhỏ đều gửi về quê nhờ người thân trông nom giúp. Trường mẫu giáo thì không nhận còn gửi vào nhóm trẻ gia đình thì không an tâm. Cùng cảnh ngộ, chị Phạm Thị Nga, bộc bạch: "Khi mới vào làm nghe công ty bảo sẽ có trường mẫu giáo dành riêng cho con em công nhân lao động nhưng nhiều năm qua mà một khu vui chơi đúng nghĩa cho các cháu còn chưa có, chứ mong gì một ngôi trường cho con em chúng tôi!".
Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc có hàng ngàn lao động nhưng không có các khu thiết chế văn hóa, thương mại, trường học cho công nhân và con em người lao động. |
Nở rộ nhóm trẻ gia đình
Theo thống kê của UBND xã Điện Ngọc và Điện Nam Bắc, số lượng trẻ từ 1 đến 5 tuổi trong năm 2014 ở 2 địa phương khoảng hơn 2.800 trẻ. Trong khi đó, số lượng trẻ được vào học ở hai trường mẫu giáo công lập chỉ có gần 700 trẻ, còn hơn 2.100 trẻ phải vào các cơ sở nhóm trẻ gia đình cả được cấp phép lẫn chưa được cấp phép, hoặc nhờ người thân chăm sóc.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, xung quanh khu vực KCN Điện Nam - Điện Ngọc, các nhóm trẻ gia đình "mọc lên như nấm", trong đó có nhiều nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép hoạt động. Theo bà Nguyễn Thị Sáu - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Ngọc, trước nhu cầu gửi trẻ của người dân địa phương cũng như công nhân lao động tăng cao, trong 2 năm gần đây số lượng nhóm trẻ gia đình cũng tăng rất mạnh. Đáng lo ngại là có những nhóm trẻ gia đình chưa được cấp phép nhưng vẫn lén lút hoạt động.
"Hiện trên địa bàn xã có 15 nhóm trẻ gia đình đã được cấp phép hoạt động, chăm sóc và nuôi dạy gần 1.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Ngoài ra còn có 3 nhóm trẻ gia đình đang hoạt động nhưng chưa được cấp phép. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu các nhóm trẻ này không đáp ứng đủ điều kiện chăm sóc và giáo dục trẻ thì sẽ nghiêm túc xử lý và cấm hoạt động. Trước đó, ngay trong tháng 5-2014, chúng tôi cũng đã đóng cửa hoạt động của một nhóm trẻ gia đình vì điều kiện chăm sóc quá tệ"-bà Sáu cho biết.
Theo ông Võ Văn Hưu - cán bộ chuyên trách văn hóa-xã hội UBND xã Điện Nam Bắc, những năm gần đây số lượng trẻ trên địa bàn tăng khá nhanh, do trường MG xã không thu nhận hết trẻ nên việc hình thành các nhóm trẻ gia đình là tất yếu. Vấn đề đang được chính quyền địa phương quan tâm nhất hiện nay là làm sao thực hiện tốt công tác quản lý các nhóm trẻ gia đình, vừa đảm bảo công tác chăm sóc và giáo dục trẻ, vừa khuyến khích được công tác xã hội hóa giáo dục.
Thời gian qua, chính quyền địa phương cùng ngành GD&ĐT H. Điện Bàn đã tăng cường tổ chức quản lý, kiểm tra điều kiện chăm sóc, nuôi dạy ở các nhóm trẻ gia đình. Tuy nhiên, qua thực tế chúng tôi nhận thấy có rất nhiều nhóm trẻ gia đình lẫn các trường mẫu giáo tư thục chưa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất. Nhiều nhóm trẻ gia đình có số lượng trẻ/lớp khá đông, công tác tổ chức chăm sóc trẻ chưa đảm bảo, nhiều người trông trẻ không có trình độ chuyên môn về giáo dục mầm non…Và điều đáng lo ngại nhất là những nguy cơ tai nạn rình rập và bùng phát các dịch bệnh đối với trẻ…
Rõ ràng, việc xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân lao động hiện đang là vấn đề bức thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cả chính quyền, ngành giáo dục địa phương và nếu tình trạng này không được giải quyết kịp thời thì không thể tránh khỏi việc nảy sinh thêm nhiều hệ lụy về an sinh - xã hội.
Đại Khải