Công trình thủy lợi trăm tỷ hư hỏng quá sớm
Với hơn 100 tỷ đồng, công trình thủy lợi Pleiku (xã Ayun, H. Chư Sê, Gia Lai) mang ý nghĩa lớn lao giúp cho 800 hộ dân ở vùng đất khát này. Dòng nước đã về ruộng đồng, giúp bà con nơi đây không chỉ có nước phục vụ cho sinh hoạt mà còn biến những cánh đồng lúa khô khát từ 1 vụ thành 2 vụ. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian, công trình đã bộc lộ những hư hỏng, xuống cấp, đặt ra câu hỏi về chất lượng công trình.
Một điểm sụt lún khiến kênh dẫn bị hụt cả phần đáy và có nguy cơ đổ, gãy bất cứ lúc nào. |
Công trình trọng đại
Ayun dù nằm ngay lòng hồ Ayun Hạ - một trong những đại thủy nông của Tây Nguyên. Thế nhưng, bao đời nay, Ayun được xem là rốn hạn và cũng là xã nghèo nhất của tỉnh Gia Lai. Mùa mưa nơi đây mới thực sự có sức sống, mùa khô cả một vùng đất bao quanh là núi này đối mặt với khô hạn khốc liệt, kể cả nước sinh hoạt đều trở nên khan hiếm. Đời sống bà con chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy và nguồn nước trời, thế nên cái đói, cái nghèo vẫn cứ hiện hữu nơi đây. Với hơn 800 hộ dân và 3.000 khẩu nhưng hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm khoảng 80%, đa phần là người dân đồng bào DTTS Gia Rai và Ba Na.
Tin vui đến với bà con khi trong chuyến công tác và thăm bà con xã Ayun năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Plei Keo tại đây. Đồng thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các bộ, ngành tính toán, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Gia Lai triển khai dự án. Niềm mong ước về một nguồn nước tưới để biến vùng đất khô khát này khởi sắc đã trở thành hiện thực với bà con nơi đây. Điều quan trọng, với nguồn nước hệ thống thủy lợi đưa về, bà con có thể “biến” những cánh đồng lúa nơi đây từ 1 vụ thành 2 vụ, cái đói từ đó cũng dần được xóa bỏ.
Toàn bộ dự án thủy lợi Plei Keo đã được thực hiện với tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 119 tỷ đồng với công suất tưới 500ha đất nông nghiệp (đa phần là lúa nước) và cây hoa màu, hàng năm. Dự án được giao cho UBND H. Chư Sê làm chủ đầu tư, chịu trách nhiệm về nội dung dự án, các giải pháp kỹ thuật, hồ sơ thiết kế... Thời gian thực hiện hệ thống kênh dẫn của dự án từ năm 2018- 2019. Là dự án mang tính chất trọng điểm và ý nghĩa quan trọng trong việc thay đổi vùng “rốn hạn” này nên luôn được lãnh đạo tỉnh Gia Lai theo dõi, chỉ đạo. Bên cạnh đó, mong muốn có được nguồn nước tưới, người dân ở xã Ayun đã hiến nhiều diện tích rẫy, ruộng để công trình thủy lợi đi qua.
Một điểm kè bê-tông kém chất lượng, không kết nối và bị hổng cả phần móng. |
Chưa bàn giao đã hỏng
Từ phản ánh của người dân việc các hệ thống kênh dẫn nước nhiều điểm bị hư hỏng, xuống cấp và có dấu hiệu kém chất lượng dù chưa bàn giao, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường ghi nhận. Với kênh chính dài 560m, sau đó tách thành 2 kênh (kênh N1, N2) có tổng mức đầu tư hơn 77 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương là 70 tỷ đồng, ngân sách H. Chư Sê là hơn 7,7 tỷ đồng.
Thế nhưng, hệ thống kênh dẫn này đang bộc lộ nhiều điểm, vị trí hư hỏng nghiêm trọng. Đi dọc theo tuyến kênh N1, P.V ghi nhận nhiều vị trí kênh bê-tông bị nứt, nhiều nơi được trám bằng xi-măng. Cũng tại tuyến kênh N1, đoạn qua làng Achông (xã Ayun), vị trí nối giữa ống dẫn nước (xi-phông) với kênh máng bê-tông bị vỡ thành từng mảng lớn nhưng được lấp đất “che” lại và lộ ra sau vài trận mưa trút xuống nơi đây. Cũng trên tuyến kênh này, hàng trăm thanh sắt nằm trên những trụ bê-tông ngang tầm mắt gây nguy hiểm cho người dân khi đi làm nương rẫy nơi đây.
Dọc tuyến kênh N2, chúng tôi ghi nhận nhiều điểm nối giữa ống dẫn nước và kênh máng bê-tông bị hư hỏng. Thậm chí, nhiều điểm kênh đất xung quanh đã bị sụt lún, khiến kênh dẫn nước hẫng cả phần đáy và có thể gãy, đổ bất cứ lúc nào. Tại các điểm sụt lún, hệ thống kè bê-tông xung quanh qua các cống thoát nước cũng chịu chung số phận. Nhiều điểm, sụt lún gây hỗng đất nền xung quanh kênh dẫn mà vài người lớn có thể chui vào lọt. Lo ngại hơn, từ các điểm sụt lún này bộc lộ ra những vấn đề về chất lượng công trình. Tại một điểm kè bê-tông chỉ được “tráng” một lớp mỏng xi-măng, trồi cả đất lên, phần chân móng trơ ra những viên đá sau những trận mưa xói mòn hết lớp bê-tông. Chưa kể, nhiều phần bê-tông khác ở các điểm đấu nối, thanh giằng, nắp đậy kém chất lượng, chỉ dãi dầu nắng mưa chưa được bao lâu đã trơ cả lõi sắt, thép.
Thanh giằng bê-tông nhưng kém chất lượng, chỉ cần bóp nhẹ đã vỡ từng mảng bê-tông. |
Theo tìm hiểu của P.V, đơn vị tham gia phần thi công hệ thống kênh dẫn thủy lợi Plei Keo trên là Cty TNHH MTV Nghĩa Thành (có trụ sở tại Quảng Nam). Bên cạnh đó, một nguồn tin khác cho biết, giá trị phần xây lắp với hơn 64 tỷ đồng đã được hoàn thành nghiệm thu khối lượng thanh toán là 63,998 tỷ đồng, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát cũng đã được thanh toán với số tiền gần 4,5 tỷ đồng. Điều đó, thể hiện công trình thủy lợi Plei Keo đã hoàn thành việc nghiệm thu và thanh toán, chỉ chờ bàn giao theo thủ tục.
Những vấn đề bất thường về công trình cũng như sự hư hỏng chỉ sau vài trận mưa đã khiến dư luận đặt ra nhiều vấn đề lo ngại khi công trình cũng như nỗi lo lắng của bà con sinh sống nơi đây. “Có thủy lợi, bà con mừng lắm, giờ có thể trồng 2 vụ lúa là bà con đỡ phải lo cái ăn rồi. Nhưng giờ, nhìn nó hư hỏng bà con mình buồn lắm, xót lắm. Chỉ mong chờ công trình này làm tốt để bà con có nước tưới cho cây lúa thôi”, một người già làng Pă Leng (xã Ayun) chia sẻ.
Trước sự việc trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, chủ đầu tư là UBND H. Chư Sê cùng các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra làm rõ và xử lý theo thẩm quyền. Ngay trong ngày 13-8, ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) Gia Lai cùng các đơn vị chức năng đi dọc theo các tuyến kênh kiểm tra hiện trường.
P.V Báo Công an TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
MINH TÂN