Công viên 29-3: Chuyện bây giờ mới kể

Thứ sáu, 17/01/2025 08:52

Công viên 29-3 Đà Nẵng ngày nay, trước năm 1975 vốn là bãi rác trung tâm của thành phố, người dân thường gọi là Hầm Bứa. Mùa hè năm 1976, thành phố đã tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh quy mô, giao cho thanh niên tại địa phương đảm trách dọn dẹp bãi rác này trong thời gian hơn một tháng.

Họa sĩ Nguyễn Phan và Công viên 29-3 những ngày đầu tiên sau khi khánh thành.
Truyện ngắn của Trần Trung Sáng viết về Công viên 29-3 những ngày đầu tiên in trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần số ra ngày 12-5-1985.

Công trường Công viên 29 tháng 3 từng bước được triển khai sau đó. Năm 1982, Công ty Công viên Cây xanh TP Đà Nẵng được thành lập, trở thành đơn vị quản lý Công viên 29 tháng 3…Suốt nhiều thập niên qua, dù có những xáo trộn nhất định, Công viên 29-3 vẫn luôn được ví như "'lá phổi xanh' giữa lòng thành phố, thường xuyên được đầu tư nâng cấp, cải tạo để đáp ứng nhu cầu người dân và xứng tầm sự phát triển không ngừng của Đà Nẵng.

Câu chuyện thần tiên

Với tôi, một trong những ký ức sâu đậm nhất trong thời gian đầu sau ngày đất nước thống nhất tại quê nhà Đà Nẵng là câu chuyện những ngày tham gia công sức lao động để cải tạo cái hầm bứa đổ rác mênh mông… trở thành Công viên 29-3 tươi đẹp. Thậm chí, sự việc đó đã để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm tới mức một thời gian sau tôi đã viết nên một truyện ngắn đầu tay có tên "Câu chuyện thần tiên" in trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật (số ra ngày 12-5-1985).

Nội dung truyện ngắn "Câu chuyện thần tiên" của tôi năm ấy được hư cấu "cổ tích hoá" xoay quanh thực tế sự thay đổi kỳ diệu của Công viên 29-3, từ ngày phát quang, cải tạo khu đất "hầm bứa" cho đến thời điểm trở thành một khu vườn thần tiên, rợp mát bóng cây, cũng chỉ trong thời gian chưa đầy 10 năm. Hẳn rằng, những đổi thay, phát triển của Công viên lúc ấy vẫn còn ở một giới hạn nhất định…

Truyện ngắn của Trần Trung Sáng viết về Công viên 29-3 những ngày đầu tiên in trên báo Tuổi Trẻ cuối tuần số ra ngày 12-5-1985.

Của để dành

Thế rồi, đến tận… năm 2007 (tức gần 30 năm sau, kể từ ngày khánh thành Công viên 29-3), chính quyền TP Đà Nẵng đã cho phá bỏ tường rào, tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân. Cụ thể, tổ chức lại không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống giao thông, cây xanh, sửa chữa lại cổng chính. "Đã xây công viên thì phải ra công viên, là nơi vui chơi, giải trí đáp ứng nguyện vọng của mọi người" - người dân ở gần kề công viên thường phản ánh những ý kiến tương tự như vậy.

Những ngày ấy, thật thú vị khi tình cờ đọc được trên blog của một người bạn viết về sự kiện này: "…Sáng nay cũng trên đường đi qua, bỗng thấy bóng cây xanh trải dài, những cổ thụ rợp tán lá to. Lại có tượng đá ngây thơ trên thảm cỏ mượt mà, lại có mặt hồ trong xanh lấp lánh ánh triều dương….Ủa, ở đâu ra vậy cà? Ở đâu lại có một không gian mơ ước, đẹp như từ trong cổ tích hiện về vậy ta? À thì ra đây là công viên 29-3! Cái công viên mà hơn 30 năm về trước mình cùng hàng trăm bạn sinh viên, hàng ngàn thanh niên cùng xung phong lao động, đào, trồng, xúc đổ…, ủa, cái này là của mình mà sao chừ mình mới biết? Lâu nay hắn ở đâu???? Xin cám ơn ông Chủ tịch thành phố, ông đã cho phá bức tường ngăn cách công viên bao nhiêu năm nay để cho tôi lại có được màu xanh, có được mặt hồ trên đường đến sở, trên thành phố của chúng ta. Cám ơn ông đã trả lại chúng tôi cái của chúng tôi. Ôi, lòng vui như được của để dành. Vui như nhặt được gói tiền tưởng mất trong ngăn đồ cũ trong tủ quần áo nhà mình! (Của để dành/Nguyễn Quang Chơn).

Ai là tác giả thiết kế quy hoạch ban đầu Công viên 29-3?

Nhiều năm qua, tôi vẫn thường băn khoăn một điều: Để chính thức trở thành Công viên 29-3 như hôm nay, thuở ban đầu người ta đã quy hoạch ra sao? Và những ai đã có công đóng góp trong việc thiết kế ban đầu, triển khai kế hoạch xây dựng đem đến di sản quy giá này cho Đà Nẵng chúng ta?

Họa sĩ Nguyễn Phan và Công viên 29-3 những ngày đầu tiên sau khi khánh thành.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Cửu Loan - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho hay: "Việc này đầu tiên, được giao cho Ban chỉ huy công trường công viên 29 - 3 quản lý, mãi đến năm 1982, Công ty Công viên Cây xanh TP Đà Nẵng được thành lập, trở thành đơn vị quản lý Công viên 29 tháng 3 đặt bản doanh tại đây. Tuy nhiên, để đưa ra ý tưởng thiết kế tạo thành công viên quả thật khó xác định là ai, bởi do thời gian quá lâu, hơn nữa những người đảm nhiệm việc này họ đã mất nên chỉ biết qua (cần tham khảo nhiều hơn), là Chủ trì công trình kỹ sư (KS) Hồ Duy Diệm, kiến trúc sư (KTS) Huỳnh Tòa, ý tưởng thiết kế tổng quan là họa sĩ Nguyễn Phan (tức Phan Ngọc Nam), dựng mô hình họa sĩ Tôn Thất Thủy, thiết kế cổng công viên do KTS Lâm Yên.

Việc thiết kế nâng cấp Công viên 29-3 không khó đối với các KTS, KS, nhưng do hoàn cảnh lúc bấy giờ nguồn vốn ngân sách thành phố hạn hẹp nên cũng khoanh vùng để đó giao cho Viện Thiết kế Quy hoạch Quảng Nam Đà Nẵng do KTS Hồng Quang Lâm làm Viện trưởng nhận thực hiện nhiệm vụ từ UBND thành phố chỉ định. Đặc biệt, trong những câu chuyện nhắc lại ôn cố tri tân về thời kỳ ấy, tôi thường nghe anh em ngành kiến trúc, quy hoạch nhắc đến tên ông Nguyễn Phan với nhiều giai thoại thú vị, bởi ông không chỉ là một họa sĩ, nhà điêu khắc có tên tuổi từ trước 1975, mà ông còn có nhiều ý tưởng trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch…, nên những ý tưởng thiết kế ban đầu của ông về Công viên 29-3 là rất thuyết phục. Sau này, trong vài lần ghé đến tượng đài Khu tưởng niệm Vĩnh Trinh ở Duy Xuyên, nhìn tổng quan quy hoạch kiến trúc với phong cách độc đáo tại không gian rộng lớn nơi đây, tôi càng tin rằng việc Nguyễn Phan đóng góp ý tưởng thiết kế ban đầu cho Công viên 29-3 là đáng ghi nhận và tri ân".

Ông Cửu Loan cũng nói thêm: "Trước khi trở thành một địa điểm tham quan du lịch, mang bộ mặt đẹp đẽ với nhiều hoạt động phong phú như hiện nay thì ban đầu của nó có tường rào bê tông che chắn chung quanh. Để cải thiện đời sống cán bộ nhân viên Công ty Công viên Cây xanh 29-3, ban lãnh đạo công ty phá dỡ một phần tường rào phía đường Nguyễn Tri Phương cho tư nhân thuê làm nhà hàng trên mặt hồ. Đến năm 2007 chính quyền TP Đà Nẵng mà trực tiếp là ông Nguyễn Bá Thanh - cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo phá bỏ tường rào, mở rộng diện tích công viên tạo ra một không gian mới hoàn chỉnh cho người dân đến vui chơi, giải trí góp phần làm đẹp cho bộ mặt thành phố và ngày càng thu hút sự ưa chuộng của khách du lịch đến tham quan".

Và thật vui mừng, mới đây, trong lúc thực hiện bản thảo tập sách "Họa sĩ Nguyễn Phan, những ngày qua và sắc màu hoài niệm" (NXB Hội Nhà Văn, tháng 11-2024), nhân kỷ niệm 14 năm ngày mất Nguyễn Phan, bên cạnh những tài liệu bằng hình ảnh còn lưu giữ, tình cờ chúng tôi còn gặp văn bản có bút tích của ông Nguyễn Phúc, nguyên Chỉ huy trưởng Công viên 29-3 (khi mới thành lập) ghi rõ: "Anh Phan Ngọc Nam tức họa sĩ Nguyễn Phan là tác giả đề án thiết kế quy hoạch mặt bằng tổng thể Công viên 29-3 của TP Đà Nẵng.

Đề án đã được UBND tỉnh QN-ĐN chấp nhận cho thi công vào đầu năm 1976. Lúc ấy tôi Chỉ huy trưởng Công viên 29-3, người trực tiếp chỉ đạo thi công công trình đó ngay từ lúc ban đầu cho đến khi hoàn thành (1980). Và giờ đây, ai cũng nhận thấy rằng, qua năm tháng Công viên 29-3 ngày càng được phổ biến thêm cùng với vẻ đẹp chung của TP Đà Nẵng. Tôi xin ghi lại đây vài hàng lưu niệm với anh Nguyễn Phan, tác giả đề án, bởi vì rằng tuổi đời có thể già đi cùng năm tháng, nhưng công viên này vẫn còn lại đó, mãi mãi xanh tươi…(Nguyễn Phúc/ ĐN, ngày 28-5-1991).

Đến thời điểm hiện tại, dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29-3 được phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 7-2023 với diện tích sử dụng đất gần 190.000m2, cam kết khởi công trong tháng 6-2024 nhưng do những trở ngại khách quan, chủ đầu tư kiến nghị thành phố lùi thời gian khởi công dự án đến tháng 2-2025.

Hy vọng sau mùa xuân này, chúng ta sẽ có dịp gặp lại Công viên 29-3 với một dung nhan mới tươi trẻ, hiện đại, xứng đáng với khát khao mơ ước mà những người đi trước tạo nên nó gởi gắm niềm tin.

Trần Trung Sáng

Không ngừng tạo dựng và hoàn thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư

Sáng 17-1, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo “Hợp tác quốc tế - Đẩy mạnh đầu tư kinh doanh tận dụng xu thế mới” dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu là đại diện các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài; hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam và TP Đà Nẵng.

IFC tại TP Đà Nẵng sẽ được xây dựng và phát triển theo mô hình nào?

Tại Hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam” do UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức vào ngày 16-1 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Mỹ, Singapore, Trung Đông, Thuỵ Sĩ rất quan tâm đến phát triển Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) tại Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại...

Khai trương Công viên phần mềm Đà Nẵng số 2

Sáng 16-1, UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ công bố quyết định mở rộng và khai trương Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Công viên phần mềm (CVPM) Đà Nẵng số 2 tại đường Như Nguyệt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu).