Covid-19 bộc lộ lỗ hổng trong ngành dược phẩm Mỹ-Ấn

Thứ hai, 18/05/2020 18:51

Đại dịch Covid-19 phơi bày sự phụ thuộc của Mỹ vào các loại thuốc generic (biệt dược gốc) của Ấn Độ. Nhưng chuỗi cung ứng đó cuối cùng lại được quyết định bởi Trung Quốc.

Sarah Thebarge, 41 tuổi, một trợ lý bác sĩ sống ở San Francisco, uống thuốc mỗi ngày để điều trị căn bệnh lupus ban đỏ, tình trạng mãn tính gây đau khớp dữ dội, mệt mỏi và ngất xỉu. Thuốc Thebarge uống là hydroxychloroquine, hay HCQ.

Người dân chen nhau mua thuốc tại một cửa hiệu ở Mumbai sau khi chính phủ Ấn Độ thông báo lệnh phong tỏa toàn quốc do dịch Covid-19 hôm 24-3.  Ảnh: CNN

Từ những tuyên bố của ông Trump

Nhưng hồi tháng 3 vừa qua, HCQ đột nhiên trở nên khan hiếm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố loại thuốc này có thể dùng để điều trị các bệnh nhân Covid-19. Khi mọi người bắt đầu tích trữ loại thuốc này, Ấn Độ - nơi tạo ra 70% nguồn cung HCQ của thế giới - đã nhanh chóng tạm dừng xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung của chính họ.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sau đó đã không chấp thuận HCQ là phương pháp điều trị đối với bệnh nhân Covid-19, và tình hình khan hiếm HCQ đã giảm dần. Nhưng sự việc đã cho thấy sự phụ thuộc của Mỹ vào thuốc của Ấn Độ như thế nào - cụ thể là thuốc generic - bản sao của các loại dược phẩm có thương hiệu, có tác dụng tương tự nhưng giá rẻ hơn. Theo một nghiên cứu hồi tháng 4-2020 của Liên minh Công nghiệp Ấn Độ (CII) và KPMG, tại Mỹ, 90% các đơn thuốc được kê các loại thuốc generic và cứ 3 viên thuốc thì có 1 viên được sản xuất bởi một nhà sản xuất thuốc generic của Ấn Độ. Mỹ dường như an tâm với việc có được dược phẩm từ đồng minh thân cận Ấn Độ nhưng một vấn đề rắc rối hơn trong chuỗi cung ứng lại xuất hiện. Khoảng 68% nguyên liệu thô - được gọi là hoạt chất dược phẩm (API) -  dùng để sản xuất thuốc tại Ấn Độ đến từ Trung Quốc. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng đều có thể tạo ra những rắc rối lớn, đặc biệt là trong đại dịch.

Khi các nhà khoa học và các Cty dược phẩm đua nhau tìm ra loại thuốc điều trị và vaccine hiệu quả cho dịch Covid-19, nhiều người lo ngại rằng các lỗ hổng hiện tại trong chuỗi cung ứng có thể khiến Mỹ và các quốc gia khác bị thiếu thuốc, ngay khi họ cần nhất.

Sự trỗi dậy của Ấn Độ

Ấn Độ trở thành nhà sản xuất dược phẩm giá rẻ toàn cầu bắt đầu khi chính quyền Tổng thống Indira Gandhi thông qua Đạo luật sáng chế năm 1970, chỉ cấp quyền bảo vệ pháp lý cho các quy trình được sử dụng để sản xuất thuốc chứ không phải là thành phần của thuốc. Karan Singh, giám đốc điều hành Cty dược phẩm Ấn Độ ACG Worldwide, cho biết chính phủ nhận ra rằng dân số khổng lồ của họ sẽ không bao giờ có thể mua được các loại thuốc nhập khẩu được cấp bằng sáng chế và cần phải tìm ra giải pháp.

Các Cty Ấn Độ đã xuất sắc trong việc tìm ra kỹ thuật sản xuất các loại thuốc tên tuổi và tung ra các phiên bản copycat tương tự. Nhưng không chỉ Ấn Độ muốn có những sản phẩm này, vào giữa những năm 1980, những thay đổi về quy định khiến thị trường Mỹ cởi mở hơn với các loại thuốc copycat giá rẻ. Đương nhiên, các đại gia dược phẩm, đã đầu tư hàng triệu đô la vào việc tạo ra các loại thuốc mới, đã phản đối và vào năm 1995, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã đưa ra một quy định về việc cấp bằng sáng chế độc quyền cho các loại thuốc có thương hiệu trong 20 năm.

Nhưng khi cuộc khủng hoảng HIV/AIDS xảy ra, các nước nghèo cần thuốc giá rẻ. Năm 2001, Cty dược phẩm Ấn Độ Phòng thí nghiệm Hóa học, Công nghiệp và Dược phẩm (Cipla) đã chế tạo một số loại thuốc copycat và kết hợp chúng để tạo ra thuốc kháng HIV mang tính cách mạng. Các quốc gia Châu Phi và các nhóm viện trợ được cung cấp thuốc với giá chỉ 1 USD/ngày, giảm hơn 96% giá thành so với các loại thuốc có thương hiệu.

Thiếu nguồn cung nguyên liệu

Khi số lượng các trường hợp mắc Covid-19 tăng cao ở Trung Quốc hồi tháng 1, Bắc Kinh ban hành lệnh phong tỏa. Các nhà máy sản xuất thành phần dược phẩm đang hoạt động trên khắp đất nước phải đóng cửa, khiến các Cty dược phẩm Ấn Độ không có được nguyên liệu thô.

Vào giữa tháng 3, Trung Quốc nới lỏng phong tỏa, nhưng việc đóng cửa biên giới toàn cầu do đại dịch đã gây ra nhiều vấn đề về hậu cần với các lô hàng xuất khẩu. "Chúng tôi vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc. Nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 3-2020 giảm 40% so với năm 2019”, PC Mishra, Tổng Giám đốc Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ cho biết vào cuối tháng 4.  Ấn Độ từng có ngành công nghiệp sản xuất API phát triển mạnh, nhưng khi các hạn chế nhập khẩu được dỡ bỏ vào đầu những năm 1990, các nhà sản xuất thuốc generic của họ bắt đầu nhận nguyên liệu từ Trung Quốc, nơi một số API có thể có giá thấp hơn tới 30%. Hiện Trung Quốc có hơn 7.000 nhà sản xuất API trong khi Ấn Độ chỉ có khoảng 1.500 nhà máy.

Mỹ cũng đã nhận ra rằng, họ cần tự chủ hơn. "Chúng ta không được một lần nữa phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới về các loại thuốc thiết yếu", Peter Navarro, cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump, cho biết trong cuộc họp báo hồi tháng trước.

AN BÌNH