COVID-19 khiến nhiều trẻ em châu Á khốn đốn

Thứ bảy, 11/12/2021 17:19

Trên khắp các nước châu Á, từ Nhật Bản, Thái Lan cho đến Singapore, những thanh thiếu niên đang bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi những hệ quả kinh hoàng do đại dịch và các quyết định phong tỏa liên quan.

Học sinh Thái Lan trong một cuộc biểu tình chống chính phủ ở Bangkok vào tháng 10-2020.  Ảnh: EPA

Gần hai năm trôi qua, đại dịch COVID-19 đã khiến bao mảnh đời trên khắp châu Á tan nát. Từ những chủ doanh nghiệp nhỏ bị mất kế sinh nhai, đến những người dân cao tuổi bị cô lập bởi những lần phong tỏa và việc phụ thuộc vào công nghệ ngày càng nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng có một nhóm khác khiến nhiều người lo lắng hơn nữa: những người dưới 18 tuổi. 

Mối lo cho thanh thiếu niên

Theo tờ SCMP, trên khắp châu Á, tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử đã tăng lên khi đại dịch khiến các em phải học trực tuyến thay vì được đến trường. Các em cảm thấy bị cô lập khi không được gặp và tương tác với bạn bè trong khi các bậc cha mẹ cũng vướng bận với những mối lo riêng. 

Hồi tháng 8, khi một nữ sinh ở Singapore leo lên đường ray, cô bé may mắn thoát chết khi lái tàu phanh kịp. Nhưng một nữ sinh khác ở Tokyo không may mắn như vậy. Hồi tháng 5, cô bé chặn đầu chuyến tàu cao tốc JR Yokohama. Người lái tàu nhìn thấy cô bé và nhấn phanh nhưng đã quá muộn. Cô bé mới 16 tuổi. Cảnh sát cho biết cô bé có để lại một bức thư tuyệt mệnh trong túi xách. Cái chết của cô bé làm lộ rõ tình trạng tự tử đáng sợ bùng lên ở Nhật Bản kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy đến.

Nhật Bản ghi nhận 499 vụ tự tử ở trẻ em (từ 7-18 tuổi) vào năm ngoái, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi. Con số đó, cao hơn 25% so với năm 2019 và cao hơn 73% so với 289 trường hợp tử vong của năm 2016, trái ngược hoàn toàn với tỷ lệ tự tử đang giảm của Nhật Bản. Tại Singapore, tỷ lệ tự tử ở những người trong độ tuổi 10-19 đã tăng từ 4/100.000 vào năm 2019 lên 5,5/100.000 vào năm ngoái. Valerie Lim, người điều hành Tổ chức Hỗ trợ Người mất người thân tại Singapore cũng cho biết, ngày càng có nhiều bậc cha mẹ liên hệ với tổ chức của cô sau khi con họ tự tử. Cô cho biết con số dao động trong khoảng từ 2-4 vụ mỗi năm từ 2013-2017, nay tăng lên 6 vào năm 2018, 7 vào năm 2019, 8 vào năm 2020 và 9 vào tháng 8-2021. Tại Malaysia, 1/4 trong số 266 vụ tự tử được ghi nhận từ giữa tháng 3-2020 (khi nước này bắt đầu phong tỏa) cho đến tháng 10-2020 liên quan đến thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi.

Bộ Y tế Thái Lan đã ghi nhận 141 vụ tự tử ở những người từ 10-19 tuổi vào năm ngoái, tăng 30% so với năm 2019 và vượt xa mức tăng 20-25% trong tổng số vụ tự tử. Tiến sĩ Varoth Chotpitayasunondh, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Quốc tế thuộc Cục Sức khỏe Tâm thần Thái Lan cảnh báo những con số này còn chưa thống kê đầy đủ. Các chuyên gia và nhà hoạt động cũng cảnh báo số liệu thống kê đơn thuần không cho thấy bức tranh toàn cảnh. Thứ nhất, chúng chỉ là một con số thống kê về những vụ tự tử, chứ không phải là những vụ có ý định tự sát. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính trong số 20 người có ý định tử tự, mới có 1 người tự tử. Thứ hai, không phải tất cả các vụ tự tử đều được thống kê.

Khoảng cách tuổi tác

Theo các chuyên gia sức khỏe tâm thần, những người trẻ tuổi gặp nhiều khó khăn hơn khi vật lộn để thích nghi với cuộc sống trong đại dịch so với người lớn. 
Tiến sĩ Lim Boon Leng, bác sĩ tâm thần ở Singapore cho biết, đại dịch không chỉ khiến việc học ở trường và đôi khi là cuộc sống gia đình trở nên khó khăn mà còn căng thẳng nghiêm trọng hơn, mà các biện pháp tạo giãn cách xã hội cũng khiến giới trẻ không thể tiếp cận với bạn bè và các hoạt động xã hội. Theo ông, những người trẻ tuổi có xu hướng bốc đồng hơn người lớn và có nhiều khả năng hiểu sai thông điệp, nhìn mọi thứ một cách tiêu cực, vội vàng kết luận và xung đột với bạn bè và gia đình. Đại dịch càng khiến những vấn đề này ngày càng trầm trọng hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần có chương trình tư vấn bắt buộc trong trường học nhằm giúp xác định và điều trị sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh để có thể "cứu một mạng sống ngay từ đầu". Trên khắp châu Á, chúng ta cần phải rời bỏ tư tưởng "trẻ em chỉ cần im lặng và phải luôn luôn lắng nghe cha mẹ".  "Chúng ta cần bắt đầu lắng nghe và thừa nhận cảm xúc của con cái mình, nếu không tình trạng này sẽ không bao giờ kết thúc", cô Doreen Kho, một người mẹ bị mất con trai do tự tử, nói.  Theo chuyên gia Lim, trẻ em nên được dạy cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực, giảm căng thẳng. 

"Thế giới của trẻ rất nhỏ… chúng chỉ cần bạn bè và gia đình. Sẽ không phải là ngày tận thế nếu người lớn dành thời gian để lắng nghe các em hơn nữa", Jinda Chaipon thuộc Tổ chức Childline Thái Lan kêu gọi.

KHẢ ANH