Cty Xăng dầu khu vực 5 ngưng bán dầu hỏa đại trà: Bỏ rơi khách hàng?

Thứ năm, 04/08/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 8-2011, hầu hết các cây xăng dầu trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam đều không bán dầu hỏa. Tình trạng này âm thầm diễn ra từ nhiều tháng trước đó song đến giữa tháng 7-2011, nhiều cây xăng dầu lớn tại 2 địa phương này mới ngưng bán đồng loạt, trong đó các cửa hàng, cây xăng thuộc Tổng Cty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Được biết, loại nhiên liệu này chủ yếu do hệ thống Petrolimex cung cấp, do đó việc đơn vị này ngưng bán dầu hỏa đại trà đã gây không ít khó khăn, trở ngại cho khách hàng. Nguyên nhân do đâu?

 Thông báo và văn bản của Cty Xăng dầu khu vực 5 về việc ngưng bán dầu hỏa.

Khan hàng...

Những ngày qua, liên tục nhiều bạn đọc gọi đến Báo Công an TP Đà Nẵng phản ánh tình trạng nhiều cây xăng dầu lớn của Petrolimex trên địa bàn TP không bán dầu hỏa. Khách hàng được nhân viên tại các cây xăng dầu này thông báo miệng hoặc chỉ cho xem thông báo không bán dầu hỏa kể từ ngày 19-7-2011. Nếu khách hàng có thắc mắc thì được giải thích chung chung là "do công ty quy định".

Đúng như phản ánh, chúng tôi đã thử đi khảo sát nhiều cây xăng dầu lớn nhỏ của Petrolimex tại khu vực trung tâm địa bàn Hải Châu đều nhận được câu trả lời "không có bán dầu hỏa". Tại cây xăng dầu Quang Trung- Đống Đa (ĐN), dù bảng giá các loại nhiên liệu khác to trước cây xăng vẫn còn ghi: "Dầu hỏa: 20.800" (đồng/lít- P.V) nhưng  nhân viên ở đây cho  biết đã ngưng bán dầu hỏa từ gần 1 tháng qua và chỉ sang cây xăng trên đường Nguyễn Văn Linh (đối diện cổng vào sân bay), rằng chỉ có nơi đó mới bán dầu hỏa. Còn tại cây xăng trên đường Núi Thành (đối diện đường Trưng Nữ Vương, ĐN), thì nhân viên chỉ cho tờ giấy thông báo với nội dung: "Từ ngày 19-7-2011, Cửa hàng xăng dầu số 4 không bán dầu hỏa. Khách hàng đến 265 đường Nguyễn Văn Linh, Cửa hàng xăng dầu số 7 có bán dầu hỏa".

Tương tự khu vực Q. Hải Châu, chúng tôi được nhân viên bán hàng ở các cây xăng dầu khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn (ĐN) chỉ đến cây xăng dầu số 81 đường Lê Văn Hiến. Địa bàn Q. Liên Chiểu  thì được hướng dẫn đến cây xăng dầu trên đường Tôn Đức Thắng (gần nhà máy dưỡng khí), khu vực trung tâm Cẩm Lệ (ĐN) thì được chỉ vào cây xăng dầu gần chợ Miếu Bông.

Như vậy đã rõ, hàng loạt các cây xăng dầu của Petrolimex tại Đà Nẵng đã ngừng không bán dầu hỏa, điều này đã gây khó khăn, trở ngại cho khách hàng. Tình trạng này không chỉ xảy ra tại Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cũng lâm vào tình trạng tương tự, bởi đầu mối của Petrolimex tại hai địa phương này là Cty Xăng dầu khu vực V (Cty XDKV 5).

Tìm hiểu kỹ hơn, được biết trước đây lượng xăng, dầu được nhập về bằng đường thủy tại kho xăng dầu Khuê Mỹ (ĐN) nhưng từ đầu tháng 7-2011, nguồn dầu  hỏa tại kho xăng này đã hết. Bên cạnh đó, Petrolimex chỉ đạo không tạo nguồn (nhập) dầu hỏa tại kho Khuê Mỹ bằng đường biển (chỉ để nhập xăng) mà chuyển sang nhập từ Cty Xăng dầu Bình Định (bằng đường bộ). Cộng với thực tế tình hình kho bể chứa hạn chế của Cty XDKV 5 nên nhiều cây xăng dầu thuộc Cty này tại Quảng Nam và Đà Nẵng được yêu cầu ngừng bán dầu hỏa.

Một điểm bán xăng dầu của Cty Xăng dầu khu vực 5 dán thông báo ngưng bán dầu hỏa. 

Cò kè lợi nhuận, bỏ rơi khách hàng?

Theo một văn bản của Cty XDKV 5 về việc ngừng bán dầu hỏa đại trà tại các cây xăng dầu trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam, đề cập: "chi phí vận chuyển do Cty tự chịu" (chi phí vận chuyển dầu hỏa từ Bình Định ra Đà Nẵng bằng đường bộ). Có thể hiểu, mục đích của việc ngừng bán dầu hỏa đại  trà tại các cây xăng tại Đà Nẵng và Quảng Nam của Cty XDKV 5 nhằm giảm thiểu chi phí phát sinh khi dầu lửa nhận bằng đường bộ và tính toán hiệu quả kinh doanh mặt hàng dầu lửa tại các cửa hàng trên toàn công ty và chi nhánh. Theo đó, Cty XDKV 5 sắp xếp lại điểm kinh doanh mặt hàng dầu lửa tại hai địa bàn này như sau: Đối với Cửa hàng xăng dầu Đà Nẵng, chỉ bao gồm các cửa hàng xăng dầu số 1 (gần chợ Miếu Bông), số 2 (Q.Liên Chiểu),  số 7 (265 đường Nguyễn Văn Linh) và số 9 (81-Lê Văn Hiến). Đối với Chi nhánh xăng dầu Quảng Nam chỉ có tối đa 5 cửa hàng bán dầu hỏa.

Về việc "tính toán hiệu quả kinh doanh mặt hàng dầu hỏa tại các cửa hàng" mà Cty XDKV 5 đề cập, theo một số nhân viên bán hàng của những cây xăng trực thuộc Cty này giải thích, là do sản lượng bán hàng không cao và chậm, tỷ lệ thất thoát cao nên hiệu quả kinh doanh không bằng xăng. Qua tìm hiểu, hầu hết các cây xăng dầu hiện nay (cả tư nhân, đại lý và của Petrolimex) chủ yếu kinh doanh mặt hàng xăng các loại, còn dầu hỏa chỉ là mặt hàng "kiêm nhiệm" nhưng vẫn chiếm bể chứa riêng, trụ bơm và cả nhân viên bán hàng. Trong khi đó sản lượng bán dầu hỏa thấp hơn rất nhiều lần so với xăng, chủ yếu là bán lẻ dưới 5 lít và cũng ít người mua. Do vậy, thời gian lưu bể chứa của dầu hỏa lâu hơn dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao nên kinh doanh mặt hàng này không lợi nhuận bằng xăng. Chưa kể đến hầu hết các cây xăng đều xây dựng bể chứa dầu hỏa nhỏ (khoảng 8m3) nên nhập hàng thường ít, không chứa hết khối lượng của một xe bồn nên không tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Và để đạt lợi nhuận cao nhất, khai thác triệt để hệ thống bể chứa, trụ bơm và nhân công các cây xăng dầu của tư nhân hầu như không bán dầu hỏa mà chỉ bán xăng, dầu DO.

Là một đơn vị quốc doanh mạnh trong lĩnh vực kinh doanh xăng-dầu, Petrolimex từ lâu đã chiếm lĩnh thị phần khá lớn, đồng thời cũng là đơn vị có nhiều cửa hàng bán xăng, dầu (trong đó có cả dầu hỏa) để phục vụ người dân. Tuy nhiên với cách làm như trên của Cty XDKV 5 tại địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam khiến khách hàng bị áp đặt vào thế khó và dường như bị bỏ rơi. Một hệ lụy khác rất dễ xảy ra nếu tình trạng ngừng bán dầu hỏa đại trà tại Đà Nẵng và Quảng Nam không chỉ gây khó khăn cho người dân mà đây còn là cơ hội để tư thương thao túng giá dầu hỏa, nhất là những điểm bán nhỏ lẻ ở vùng nông thôn,  vùng sâu vùng xa. Hiện nay tại một số điểm bán nhỏ lẻ, giá dầu hỏa thường cao hơn từ 2-3 nghìn đồng/lít.

Quang Phúc