Cú “lội ngược dòng” bất ngờ
Một trong những hành động đầu tiên của ông Donald Trump ngay khi lên làm tổng thống là kéo nước Mỹ ra khỏi hiệp ước thương mại có sự tham gia của 12 quốc gia – lúc đó được gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Và ông Trump tỏ ra rất kiên quyết trong kế hoạch hành động này. Việc Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - rút khỏi TPP (hiện có tên mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) làm nhiều quốc gia rất thất vọng, để lại khoảng trống rất lớn. Các thành viên hiện tại chỉ chiếm khoảng 14% GDP thế giới, giảm từ con số gần 40% khi có Mỹ. Nhưng thật bất ngờ! Hôm 26-1, Tổng thống Trump lần đầu tiên để ngỏ khả năng Mỹ trở lại với TPP – gần 1 năm sau khi ông rút khỏi hiệp định thương mại mang tính bước ngoặt này.
Nhưng tất nhiên, ông chủ Nhà Trắng không “mở cửa miễn phí”. Ông Trump đã đưa ra những “điều kiện tiên quyết”. “Chúng tôi sẽ cân nhắc để tái tham gia TPP theo những điều khoản tốt hơn nhiều vì Mỹ đã từng có một thương vụ tồi tệ”, ông Trump nói với kênh CNBC bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Nhiều người tự hỏi, vì sao Mỹ lại có cú “lội ngược dòng” bất ngờ như vậy?
Thứ nhất, có thể ông Trump đã nhìn ra được những lợi ích lớn mà CPTPP mang lại khi 11 thành viên còn lại đang dần đi đến cuối con đường: ký kết thỏa thuận chính thức vào tháng 3 tới. Ngay khi các nước đạt bước ngoặt này, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã nói rằng, ông không quá mong đợi Mỹ sẽ quay trở lại TPP sớm, nhưng sẽ là rất tuyệt vời nếu Washington làm như vậy. Bởi trên thực tế, việc Mỹ nhanh chóng rút khỏi một thỏa thuận mà các nước quốc gia thành viên phải mất nhiều năm đàm phán cũng tác động lớn đến lợi ích của nước này. Thứ hai, có thể Mỹ lo sợ việc rút lui này sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc – đối thủ kinh tế lớn nhất của họ - trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa.
TPP - nếu có Mỹ - chiếm 40% GDP của thế giới, định hình thương mại ở khu vực Châu Á với nhiều hoạt động kinh tế lớn đang diễn ra. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ để lại khoảng trống lớn, và tạo cơ hội cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng thương mại khu vực.
THANH VĂN