"Cú sốc" thiếu điện thách thức Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng thiếu điện ở Trung Quốc đang ngày càng trầm trọng sau khi hơn một nửa tỉnh thành ở nước này phải cắt điện luân phiên trong những ngày qua, buộc các nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa và một số hộ gia đình phải chật vật sống trong bóng tối.
Khói bốc lên từ một nhà máy sản xuất than ở Hejin thuộc tỉnh Sơn Tây, miền trung Trung Quốc. Ảnh: AP
16/31 tỉnh thành liên tục cắt điện luân phiên
Theo SCMP, việc cắt điện là khá phổ biến ở Trung Quốc nhưng thường chỉ giới hạn ở lĩnh vực công nghiệp. Nhưng tần suất đã tăng lên kể từ cuối năm ngoái và hiện đã ảnh hưởng đến các hộ gia đình. Cho đến nay, 16/31 tỉnh thành ở Trung Quốc đã phải cắt điện luân phiên nhằm đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải hàng năm mà chính phủ đề ra sau khi không đạt được mục tiêu này vào đầu năm.
Tháng trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của đất nước, đã chỉ trích 9 tỉnh gồm Quảng Đông, Giang Tô, Vân Nam, Phúc Kiến, Thiểm Tây, Quảng Tây, Ninh Hạ, Thanh Hải và Tân Cương vì "mức độ tiêu thụ điện cao". 10 tỉnh thành khác không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tiêu thụ điện và tình hình tiết kiệm năng lượng quốc gia đang rất nghiêm trọng cũng bị nêu tên.
Việc các tỉnh thành cắt điện là nằm trong chiến lược giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước sức ép của chính phủ trung ương. Một năm trước, Chủ tịch Tập Cận Bình gây bất ngờ khi đưa ra cam kết Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia không còn phát thải carbon vào năm 2060. Chuyên gia Combs nói, cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn vào những tháng cuối năm, do các tỉnh thành ở Trung Quốc đứng trước sức ép phải đạt mục tiêu đề ra. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân bùng nổ cuộc khủng hoảng thiếu điện hiện nay ở Trung Quốc không chỉ là do mục tiêu giảm khí thải carbon mà còn do tình trạng thiếu than đá trầm trọng khiến giá cả tăng vọt.
Nguy cơ mới nhất đối với chuỗi cung toàn cầu
Việc cắt điện nhằm đáp ứng mục tiêu tiêu thụ năng lượng đã buộc các nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa và khiến một số hộ gia đình phải chật vật sống trong bóng tối. Lo ngại lớn hơn là nó sẽ gây ra cú sốc mới nhất đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, khi nhiều nhà máy tại đất nước được ví là "công xưởng của thế giới" này buộc phải cắt giảm sản lượng do thiếu điện.
Tại thành phố Dongguan, một trung tâm sản xuất ở Quảng Đông, một nhà máy sản xuất giày với 300 nhân công trong tuần trước đã phải bỏ ra số tiền 10.000 USD để thuê máy phát điện trong một tháng nhằm duy trì hoạt động sản xuất. Giá thuê cộng với khoản tiền chi ra để mua dầu diesel phát điện làm cho chi phí điện năng tăng gấp đôi.
Thiếu hụt năng lượng trên phạm vi cả nước đã khiến giới phân tích kinh tế giảm dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay. Tập đoàn tài chính Nomura cắt giảm tăng trưởng GDP quý IV của Trung Quốc xuống còn 3% so với mức 4,4% của kỳ dự báo trước. Đứt gãy sản xuất cũng sẽ khiến cho các thị trường ở nhiều nước phương Tây sớm phải đối mặt với thiếu hụt nguồn cung hàng hóa, dễ gây ra tình trạng lạm phát tăng cao trong vài tháng tới.
Khan hiếm điện đã làm trầm trọng thêm vấn nạn ách tắc chuỗi cung. So với năm ngoái, tỷ lệ tăng tiêu thụ điện năng tại Trung Quốc năm nay cao gấp đôi. Nguyên do là các nhà máy sản xuất tại đại lục nhận được lượng đơn hàng tăng vọt, về các sản phẩm như điện thoại thông minh, đồ điện gia dụng, thiết bị tập thể thao cùng nhiều mặt hàng chế tạo khác. Thiếu hụt điện tại Trung Quốc vì thế khiến giá hàng hóa tại nhiều thị trường, như ở Châu Âu, tăng theo.
Giới phân tích nhận định thiếu hụt điện cũng sẽ tác động mạnh đến các ngành công nghiệp nặng như sản xuất sắt thép và các khu vực hạ nguồn trong ngành dầu khí tại Trung Quốc.
KHẢ ANH