Cử tri quan tâm đến đấu tranh phòng chống tham nhũng và lấy phiếu tín nhiệm

Thứ ba, 02/12/2014 09:36

(Cadn.com.vn) - Sáng 1-12, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng gồm các đại biểu: Huỳnh Ngọc Sơn, Huỳnh Nghĩa, Thân Đức Nam, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Thị Kim Thúy đã tiếp xúc cử tri (TXCT) báo cáo kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII và lắng nghe phản ánh của các CT quận, huyện trên địa bàn TP.

Trong đợt TXCT này, đại biểu Nguyễn Bá Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư vẫn tiếp tục vắng mặt do đi chữa bệnh ở nước ngoài.

Sức khỏe của đại biểu Nguyễn Bá Thanh có tiến triển tốt

Phát biểu ý kiến tại buổi TXCT, CT Hoàng Công Chấn (Q. Sơn Trà) và một số CT tại buổi tiếp xúc sáng 1-12, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP tiếp tục cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh hiện nay ra sao. Thay mặt đoàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, cá nhân ông cũng như các vị lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng hết sức quan tâm, lo lắng đến tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh. Nhưng vì ông Nguyễn Bá Thanh đi chữa bệnh ở nước ngoài, lại là bệnh viện tư nên chỉ thông qua gia đình thì được báo lại là sức khỏe của ông có tiến triển tốt.

“Thông qua Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ T.Ư, chúng tôi có hỏi thăm tình hình thế nào thì được biết sau phẫu thuật sức khỏe của anh Nguyễn Bá Thanh cũng có tiến triển, nhưng có lẽ bệnh của anh không thể một ngày, hai ngày mà ổn định ngay được mà cần phải có thời gian. Nếu có thêm tình hình gì thì thông qua Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ T.Ư chúng tôi sẽ báo cáo lại với CT”, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Đánh giá cao kết quả kỳ họp

Báo với CT các quận, huyện và các lực lượng trên địa bàn TP, đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết: Sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Các CT TP Đà Nẵng đều hài lòng và hoan nghênh tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của Quốc hội trước các vấn đề lớn của đất nước, tạo lòng tin cho nhân dân vào Quốc hội.

CT Nguyễn Danh Ngãi (Q. Cẩm Lệ) cho biết, qua theo dõi kỳ họp cũng như nghe báo cáo ngày hôm nay, ông đánh giá cao tinh thần làm việc của Quốc hội và các đại biểu. Quốc hội và ĐBQH đã làm được nhiều việc, đạt được những kết quả nhất định, CT đề nghị tiếp tục phát huy. Đồng ý với quan điểm này, các CT Võ Khắc Mai (Q. Thanh Khê), Nguyễn Trí Tổng (Q. Hải Châu) cũng cho rằng kỳ họp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

CT Nguyễn Trí Tổng cho biết, so với những kỳ họp trước đây, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp này được nâng cao hẳn, nhất là bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trước CT cả nước đã đem lại lòng tin cho nhân dân về những sự thay đổi lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn giải đáp các ý kiến cử tri. Ảnh: N.T

Đánh mạnh vào tham nhũng

Tại các buổi tiếp xúc, đã có hơn 20 lượt ý kiến của CT các quận, huyện phản ánh với Đoàn ĐBQH, trong đó tập trung vào các vấn đề đấu tranh chống tham nhũng, lấy phiếu tín nhiệm, việc TT-Huế cấp phép dự án trên đèo Hải Vân, tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi...

Đặc biệt, hơn 2/3 trong tổng số các ý kiến phát biểu của CT tại buổi tiếp xúc phản ánh về nạn tham nhũng và góp ý chính sách đấu tranh, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, nhất là các biện pháp đấu tranh với tham nhũng nhìn từ vụ việc của ông Trần Văn Truyền (nguyên Tổng thanh tra Chính phủ). CT Nguyễn Danh Ngãi cho rằng, nạn tham nhũng hiện nay diễn ra quá tinh vi, càng chống thì càng có nhiều biến tướng. Có phải do tham nhũng quá mạnh hay còn lý do nào khác mà các biện pháp chống tham nhũng đưa ra vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Cùng chung quan điểm này, các CT Võ Khắc Mai (Q. Thanh Khê), Thái Thanh Hùng (Q. Liên Chiểu), Huỳnh Công Chánh, Nguyễn Thanh Vân, Huỳnh Lý, Đặng Vân, Nguyễn Trí Tổng (Q. Hải Châu), Lê Thị Tuyết (Q. Cẩm Lệ), Nguyễn Văn Sỏi (Ngũ Hành Sơn), Ngô Tấn Bẩm (Hòa Vang)... đều đưa ra những dẫn chứng cụ thể, sâu sắc về vấn nạn tham nhũng hiện nay cũng như việc chống tham nhũng của nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam.

Trả lời ý kiến các CT, đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, những phản ánh của CT đều đang diễn ra trên thực tế và công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay đang được Đảng, Nhà nước chỉ đạo làm quyết liệt. Về vụ việc của ông Truyền cũng đã có kê khai tài sản, tuy nhiên bản thân ông này kê khai không đúng, không đầy đủ.

Đối với các vấn đề về công khai tài sản của cán bộ, đảng viên tại các khu dân cư, nơi sinh sống của người đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, hiện đã có những thống kê đầy đủ, nên CT nào cần các thông tin về tài sản của cán bộ nào cũng có thể cung cấp được.

Cũng trả lời về vấn đề trên với CT, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho rằng, đấu tranh với tham nhũng là tâm tư lớn do CT gửi gắm, nếu làm không tốt sẽ mất lòng tin của nhân dân, bởi ngoài ông Truyền sẽ còn có những ông Truyền khác vẫn đang ở ngoài vòng pháp luật. “Mong rằng các cơ quan thông tin đại chúng, nhân dân và các cơ quan Nhà nước tăng cường phát hiện. Đảng, Nhà nước cũng tăng cường thực hiện các biện pháp, giám sát kê khai tài sản thế nào để phát huy hiệu quả đối với công tác phòng, chống tham nhũng” -Đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

 Các ĐBQH tiếp xúc cử tri tại Nhà hát Trưng Vương sáng 1-12.

Tiếp tục cải cách lấy phiếu tín nhiệm

Ngoài vấn đề tham nhũng, phát biểu tại buổi tiếp xúc, nhiều CT cũng tỏ ra chưa hài lòng với cách lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn như hiện nay. Trả lời ý kiến của CT, đại biểu Huỳnh Ngọc Sơn thẳng thắn, tất cả ý kiến phát biểu của CT là hoàn toàn đúng và nhiều đại biểu cũng đã phát biểu và giữ quan điểm đó.

Nhưng việc sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm vẫn giữ lại 3 mức và lấy vào cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ, đây là quan điểm chung và được thống nhất từ trên xuống trong hệ thống chính trị. Qua 2 lần thảo luận, phản ánh tất cả ý kiến của CT, Quốc hội cũng đã tổ chức lấy phiếu thăm dò Quốc hội về một nhiệm kỳ mấy lần, 1 lần là bao nhiêu mức và đi đến biểu quyết theo đa số là 3 mức và mỗi nhiệm kỳ 1 lần. Lấy phiếu tín nhiệm khác với bỏ phiếu tín nhiệm, bởi lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò cán bộ còn bỏ phiếu tín nhiệm là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.

“Qua 2 lần lấy phiếu tín nhiệm, phần nào cũng đã phản ánh được tình hình thực tế trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp gắn với từng vị trí có các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước đó để thực hiện. Kết quả thể hiện những người tốt lấy đó để phấn đấu, những người chưa tốt lấy đó làm bài học để phấn đấu. Chính cái thấp của các vị Bộ trưởng trước đây giờ người ta cũng đã phấn đấu tốt” - Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chia sẻ thêm.

N.Tuấn - V.Hậu - L.Hùng

Tết Âm lịch được nghỉ 9 ngày

Cho ý kiến về việc nghỉ Tết Âm lịch và hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức, các thành viên Chính phủ thống nhất phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày, nghỉ Tết Dương lịch 4 ngày.

Cụ thể cán bộ, công chức, viên chức sẽ đi làm vào thứ Bảy (14-2-2015) để nghỉ liền từ ngày thứ Hai (ngày 16 đến ngày 23-2-2015, tức là từ 27 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Mùi).

Đối với phương án nghỉ Tết Dương lịch, với việc công chức, viên chức đi làm bù vào ngày thứ Bảy (27-12) để nghỉ thứ Sáu (2-1-2015) nên tổng số ngày nghỉ Tết Dương lịch là 4 ngày, từ 1-1-2015 đến 4-1-2015.

Ngoài ra dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30-4, Ngày Quốc tế Lao động 1-5 sẽ kéo dài 6 ngày liên tục. Theo đó, công chức, viên chức sẽ đi làm thứ Bảy (25-4-2015) để nghỉ thứ Tư (29-4-2015), thời gian được nghỉ bắt đầu từ ngày 28-4-2015 (Ngày Giỗ tổ Hùng Vương) đến hết ngày 3-5-2015.

Các cơ quan, tổ chức hành chính sự nghiệp không thực hiện lịch nghỉ cố định 2 ngày (thứ Bảy, Chủ nhật) hằng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp. Doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động khác tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị để bố trí nghỉ dịp lễ, Tết phù hợp quy định của pháp luật lao động.