Campuchia khốn đốn vì dịch COVID-19
Chính phủ Campuchia đã quyết định phong tỏa thủ đô Phnom Penh, thành phố Takhmao và một số nơi khác trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát dữ dội.
Cảnh sát canh gác tại một con phố bị phong tỏa gần sân bay quốc tế Phnom Penh ngày 15-4. Ảnh: AP |
Tờ Phnom Penh Post dẫn thông báo từ chính phủ cho biết, khu vực thủ đô cùng thành phố lân cận Takmao sẽ bị phong tỏa trong 14 ngày. Theo đó, lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực từ 0 giờ ngày 15-4 đến ngày 28-4. Nhiều tỉnh khác cũng phong tỏa cục bộ và áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt.
Những biện pháp mạnh mẽ
Đây là lần đầu tiên thủ đô Phnom Penh của Campuchia bị phong tỏa kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này hồi cuối năm ngoái. Thông báo nêu rõ các hoạt động đi lại không thiết yếu sẽ bị hạn chế. Người sống trong các khu vực phong tỏa sẽ bị cấm rời khỏi nhà trừ trường hợp khẩn cấp. Tất cả các sinh hoạt tập trung đông người đều bị cấm.
Việc ra ngoài để mua thực phẩm vẫn được phép nhưng tối đa là 3 lần mỗi tuần và chỉ 2 thành viên trên mỗi hộ gia đình được phép đi mua thức ăn. Một số trường hợp khẩn cấp khác được nêu gồm đi bệnh viện (với mỗi chuyến đi không quá 4 người) và đi xét nghiệm COVID-19. Theo lệnh này, nhà báo, nhà ngoại giao, nhân viên các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, quan chức nhà nước được phép đi làm nhưng phải mang theo giấy tờ và tuân thủ các biện pháp phòng dịch do Bộ Y tế ban hành.
Chỉ một số hoạt động và cơ sở kinh doanh thiết yếu như cửa hàng thực phẩm, tiệm thuốc, bệnh viện, nhà máy thực phẩm, lò giết mổ,… được phép duy trì hoạt động. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ 20 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau và trong khoảng thời gian đó, mọi người đều phải ở nhà, doanh nghiệp phải đóng cửa.
Bên cạnh lệnh phong tỏa, nhà chức trách Campuchia cũng áp dụng hàng loạt biện pháp mạnh như việc bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, trong đó có các tỉnh như Takeo, Svay Rieng… Tỉnh trưởng Ouch Phea của Takeo thông báo người vi phạm các quy định chống dịch có thể bị phạt từ 1 đến 2 triệu riel (tức khoảng 5,8 triệu đến 11 triệu đồng).
Có quá chậm chạp?
Dịch COVID-19 đã bùng phát trở lại trong những ngày gần đây tại Campuchia, trong đó riêng ngày 14-4 có tới 181 ca nhiễm mới, nâng tổng số người bị nhiễm từ trước đến nay lên 4.696 người, với 33 người chết.
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Li Ailan tại Campuchia cảnh báo: Campuchia đang "đứng bên bờ vực thảm họa quốc gia" do COVID-19 và rằng hệ thống y tế nước này "có nguy cơ vỡ trận và hậu quả sẽ thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát này". Tuần trước, giới chức Campuchia cho biết, các bệnh viện ở thủ đô Phnom Penh sắp hết giường bệnh. Họ phải chuyển một số trường học, trung tâm hội nghị thành các bệnh viện dã chiến. Thủ tướng Hun Sen thậm chí cảnh báo, những người vi phạm quy định cách ly có thể đối mặt với án tù.
Cho đến nay, Campuchia ghi nhận gần 5.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 35 ca tử vong. Trong một thông điệp gửi cả nước cuối tuần qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo nước này sẽ nhận thêm hơn 8 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2021. Tính đến nay, Campuchia đã tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 678.406 người dân và 216.903 quân nhân. Campuchia hiện sử dụng 3 loại vaccine ngừa COVID-19 gồm Sinopharm, AstraZeneca/SII (COVISHIELD) và Sinovac.
Chính phủ Campuchia cũng đã ban hành sắc lệnh 8 điều về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với các quan chức chính phủ và lực lượng vũ trang. Sắc lệnh cũng cảnh báo những trường hợp trốn tránh tiêm chủng sẽ bị kỷ luật đồng thời giải thích rõ sắc lệnh không áp dụng với những cá nhân không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe, nhưng phải có giấy chứng nhận của cơ quan y tế.
Giữa lúc khó khăn này, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân "Hãy cùng nhau ngăn chặn tình hình nguy hiểm này. Chúng ta đang trên bờ vực sinh tử. Nếu không cùng nhau nỗ lực, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng chết chóc thực sự".
KHẢ ANH