Cũng bởi tin "con ma ám"
Lâm trọng bệnh nhưng Hồ Văn Đơn (24 tuổi, trú thôn 3, xã Trà Cang, H. Nam Trà My, Quảng Nam) không đến ngay cơ sở y tế để khám điều trị mà ở nhà thuê thầy về cúng. Từ cúng gà cho đến cúng heo không biết bao nhiêu lần nhưng bệnh tình mỗi lúc một nặng. Đến khi sức khỏe yếu dần, gia đình đưa xuống bệnh viện thì bác sỹ cho biết Đơn đã bị ung thư gan...
Hồ Văn Đơn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. |
Ngày 13-3, tiếp xúc với chúng tôi tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, anh Hồ Văn Đơn cho biết, cách đây hơn 3 tháng, anh bắt đầu thấy sức khỏe trong người yếu đi. Từ một thanh niên khỏe mạnh, là lao động chính trong gia đình bỗng dưng sức khỏe giảm sút nhanh chóng. Cho rằng mình bị "con ma ám" nên vợ chồng Đơn thuê thầy về cúng chứ nhất quyết không chịu đi bệnh viện. Ý nghĩ bị "con ma ám" càng nặng hơn khi cuối năm 2017, do ảnh hưởng của trận mưa bão, nhà vợ chồng anh Đơn bị sạt lở buộc phải di dời đi nơi khác. "Nhà mình ở bao lâu nay không bị chi. Tự dưng cuối năm vừa rồi mưa gió sạt lở gần sập nên phải dỡ nhà đi. Do điều kiện khó khăn nên vợ chồng mình xuống xóm dưới dựng lều ở tạm. Chuyện nhà cửa chưa ổn định thì ngay sau đó mình bị bệnh. Chắc do gia đình bị con ma ám nên mình mới bị khổ như rứa"- Đơn nhận định về nguyên nhân mình mắc bệnh.
Đơn cho biết lâu nay không nhớ nỗi mình đã thuê thầy về cúng bao nhiêu lần. Bởi theo quan niệm bao đời nay của người Xê Đăng nơi đây, khi bị đau là do "con ma ám". Nếu đau nhẹ thì mua gà cúng rồi cắt tiết gà bôi lên chỗ đau. Khi bệnh nặng hơn thì mua heo cúng, cũng cắt tiết heo bôi lên chỗ đau. Cứ như vậy từ khi Đơn phát bệnh đến giờ gia đình không biết đã cúng bao nhiêu lần. Lần cuối cùng trước khi xuống bệnh viện, Đơn cũng mua một con heo về cúng. Khi thấy bệnh tình ngày một nặng, được cán bộ xã, những người đồng bằng lên buôn bán gần nhà động viên, cuối cùng Đơn mới chịu xuống Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My khám. Do lúc này bệnh đã nặng, Đơn được chuyển xuống tuyến tỉnh. Sau khi nhập viện được một tuần, đến nay bác sỹ cho biết Đơn bị ung thư gan và đã di căn. Từ quan niệm lạc hậu nên dẫn đến sự đói nghèo là điều khó tránh khỏi. Khi xuống viện, vợ chồng Đơn chỉ có 1 triệu đồng dành dụm cộng với tiền mừng tuổi của 2 con nhỏ trong dịp tết vừa qua. Gia đình Đơn cũng neo người, vợ ở nhà lo cho hai đứa con nhỏ. Đứa em gái của vợ năm nay đang học lớp 8 chấp nhận xin nghỉ học đi theo xuống bệnh viện để nuôi anh rể.
Chị Hồ Thị Nếu (1974, trú thôn 3, xã Trà Cang) mua gà về cúng vì ở nóc vừa có người "chết xấu". |
Ở những nóc nhà nằm chênh vênh trên các sườn núi của xã Trà Cang này, trường hợp ốm đau nhưng không đến bệnh viện mà ở nhà cúng bái là chuyện rất phổ biến. Hủ tục này đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Khi những đứa trẻ đi nương, đi rẫy không may bị tre nứa đụng trầy xước chảy máu thì cha mẹ chúng cũng cho rằng do bị "con ma ám". Thế là mua gà về cúng. Hoặc trong làng, không may có ai bị TNGT, chết đuối, ăn lá ngón tự tử... thì nhà nào cũng cúng để đuổi "con ma", không cho nó ám vào nhà mình. Bởi họ cho rằng đó là cái "chết xấu"...
Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, sở dĩ những hủ tục lạc hậu trên còn tồn tại trong người dân là do đồng bào nơi đây nhận thức còn hạn chế. Đa phần các hộ dân ở đây còn nghèo, do vậy mỗi khi đau ốm họ ngại xuống bệnh viện, vì sợ tốn kém. Thế nhưng "một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ", việc mua gà, mua heo sắm lễ vật để cúng bái vô chừng lại tốn kém nhiều hơn. "Hàng năm, địa phương nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục cúng bái lạc hậu. Thế nhưng, do nhận thức của người dân còn hạn chế, do vậy hủ tục trên vẫn còn đeo bám trong đời sống tâm tinh của người dân nơi đây"- ông Bằng nhận định.
BÃO BÌNH