Cung điện- Lăng mộ Vua Quang Trung ở đâu?(2)

Thứ tư, 28/11/2007 00:00

 

Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương, Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung:

CUNG ĐIỆN - LĂNG MỘ VUA QUANG TRUNG Ở ĐÂU?

 

Kỳ 1: Giữ bí mật tuyệt đối về cái chết của vua Quang Trung

Kỳ 2: Dấu tích của cung điện và lăng mộ bị triệt phá

Kỳ 3: Những biểu hiện của lăng mộ Quang Trung bị quật phá

 

Kỳ 2: CHÙA THIỀN LÂM CHỒNG CHẤT NHỮNG BÍ ẨN

 (Cadn.com.vn) - Chùa Thiền Lâm thuộc hệ phái Tào Động, khai sơn vào cuối thế kỷ XVII. Vị tổ thứ hai của chùa là Hòa thượng Hưng Liên hiệu là Quả Hoằng là Quốc sư của Chúa Nguyễn Phúc Chu. Chùa Thiền Lâm lúc đầu thuộc Phủ Dương Xuân của chúa. Thuở khai sáng Thiền Lâm được các chúa chăm sóc, gìn giữ, nhưng gần 200 năm qua Thiền Lâm xuống cấp, ít người ở Huế biết đến. Mãi đến năm 1987, công sức của Tỳ kheo Thích Chơn Trí và đệ tử của ông gây dựng mới có cơ ngơi ngày nay. Trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, bia lăng mộ vị hòa thượng nào đó (đế bia là một con rùa đá trắng, cùng một thứ đá với tai bia, mặt bia là sa thạch) bị mài nhẵn không còn bất cứ một chữ nào. Đặc biệt, phía trước sân chùa Thiền Lâm có một tấm bia sa thạch nằm úp mặt xuống đất hàng trăm năm qua. Vào khoảng năm 1990, nhà chùa cho dựng dậy mới thấy mặt bia bị đục nát. Những chữ còn có thể đọc được là “Lâm Tế chánh tông [...] bổn sư... Hoằng lão hòa thượng chi tháp”. Phải chăng đó là bia tháp của Hòa thượng Quả Hoằng - vị tổ thứ hai của chùa Thiền Lâm? Chùa Thiền Lâm và các vị tổ phạm tội gì mà bị trừng phạt như thế?

Tỳ kheo Thích Chơn Trí là người có công phát hiện những bí ẩn dưới lòng đất sân vườn chùa Thiền Lâm. Thầy cho biết: “Năm 1987, thầy trò tôi xới đất vườn chùa trồng rau. Không ngờ đào ở đâu cũng trúng các hố gạch vồ, đá cổ. Nhân đó thầy trò tận dụng lấy gạch đá dưới lòng đất lên rửa sạch. Gạch lành thì xây tường, gạch bể thì đập ra đúc tập-lô, lấy đá xây hồ nước hay làm đôn để kê các chậu hoa... Những viên đá táng cột lớn, một số gạch vồ có khuôn dấu, chất gạch, chất đá rất tốt. Gạch, đá đó phải là của những kiến trúc lịch sử quan trọng có liên quan đến vua chúa. Còn dân thường ta ngày xưa làm gì có được những thứ vật liệu tốt rất quý hiếm đó?”. Qua những hiện vật phát hiện ở chùa Thiền Lâm chứng tỏ lúc mở đường Nam Giao Tân Lộ (1897-1898) (đường Điện Biên Phủ ngày nay), chùa Thiền Lâm cũ đã được dời xây dựng lại về phía tây và dựng trên một khu đất đã từng vùi lấp một cung điện lớn nào đó đã bị triệt phá.

 

Viên đá táng cột trụ (ảnh trên) và tấm đá được cho là bọc chung huyệt mộ bảo vệ quan tài của Vua Quang Trung.

Nói đến chùa Thiền Lâm là phải nói đến Phủ Dương Xuân của các Chúa Nguyễn. Bởi vì chùa Thiền Lâm như đã đề cập là nơi tụng niệm của các chúa và gia đình trong thời gian họ lên trú đông ở đây. Bởi thế, không những chùa Thiền Lâm “chồng chất những bí ẩn”, mà Phủ Dương Xuân cũng có lắm điều khó hiểu. Qua nghiên cứu và điền dã, Nguyễn Đắc Xuân khẳng định: Cung điện Đan Dương ở gần chùa Thiền Lâm, to lớn không thể có một nơi nào khác có thể xây dựng Cung điện Đan Dương. Chỉ có thể lý giải Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn và Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung là một. Nghĩa là vua Quang Trung đã cải tạo Phủ Dương Xuân thành Cung điện Đan Dương. Vì thế quan quân nhà Nguyễn đã quật phá chôn sâu Cung điện Đan Dương xuống đất sâu (cuối 1801), Phủ Dương Xuân phải mất tích. Khu vực Cung điện Đan Dương đã rõ ràng, câu hỏi: “Đan Lăng - lăng mộ vua Quang Trung ở đâu?”. Có thể xác định nó nằm trong khu vực Phủ Dương Xuân - Cung điện Đan Dương ấy. Tìm được dấu tích Cung điện Đan Dương là tìm được tọa độ Lăng Đan Dương.

Ở gần chùa Thiền Lâm, nhà của chị em bà Nguyễn Thị Liên (nay là 10/17 kiệt 120-Điện Biên Phủ) và ông Nguyễn Hữu Oánh (nay là 9/17 kiệt 120-Điện Biên Phủ), khi đào đất làm vườn hay dựng nhà, từ đầu thế kỷ XX, cụ nội và thân sinh ông Oánh đã bắt gặp ở dưới đất hàng ngàn viên gạch vồ, hàng trăm viên đá lát khổ 30 x 30cm, dày 4cm. Người dân địa phương cho biết ở vùng này trước kia người ta đã đào được hàng trăm viên đá táng cột như thế và trải qua hàng chục năm, họ bán dần hồi cho những người thợ làm bia. Những viên còn lại, thợ làm bia chê xấu không mua mới đem lát đường. Đặc biệt, ở bên cạnh chùa Tuệ Lâm còn dấu tích một cái giếng cổ. Người địa phương cho biết giếng được gọi “giếng loạn” và trước nhà bà Liên và nhà ông Oánh cũng có một giếng loạn như thế (Nhà Nguyễn xem thời kỳ chiến tranh với nhà Tây Sơn là “loạn”. Phải chăng những giếng nước cổ này liên hệ đến nơi ở của quan quân nhà Tây Sơn đã bị quân của Nguyễn Ánh đánh bại(?). Ở phía trái con đường bao quanh phía tây bắc chùa Vạn Phước có nhiều ngôi mộ tập thể, mỗi ngôi vun cao và dài như những vồng khoai lớn, số mộ này có tên gọi là “Mả loạn”. Nếu hiểu chữ loạn theo nghĩa loạn của “giếng loạn” trên thì những người được chôn dước các ngôi “Mả loạn” vô danh đó là người của phong trào Tây Sơn. Người ta cũng cho biết ngay trong khu vực chùa Diệu Đức cũng tìm thấy nhiều hố tro cốt của nhiều người từng bị dập xuống đó. Phải chăng đó là hài cốt của quân đội Tây Sơn đã bị quân Nguyễn tàn sát?

(còn nữa)

Hoàng Quyên (lược ghi)