Mẹ và ngày 30 tháng 4…

Thứ bảy, 26/04/2025 08:30

Cờ sao đang tung bay cao qua hết rồi những năm thương đau/Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau vui sao nước mắt lại trào…" (Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh - Xuân Hồng). Nhắc nhớ về ngày 30-4 cách đây tròn ½ thế kỷ với mỗi một người con nước Việt làm sao không bồi hồi xúc động. Từ bờ Hiền Lương, từ dòng Bến Hải, từ cái vẫy tay hẹn hai năm sau gặp lại thì hai miền Nam - Bắc đã phải mất đến hai mươi mốt năm dài đằng đẵng cách chia. Tôi nhẩm tính như ngày xưa ba vẫn thường giải thích với tôi và bà con hàng xóm, con số chẵn tròn "ba mươi năm" nay đã gặp nhau đó là khoảng thời gian 9 năm chống Pháp và 21 năm chống Mỹ cứu nước.

Mẹ Thứ - biểu tượng vĩnh hằng của Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Mẹ Thứ - biểu tượng vĩnh hằng của Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Để có giờ phút dân tộc ca khúc khải hoàn vào ngày 30-4-1975 là máu xương của biết bao thế hệ đã thấm đỏ dải đất hình chữ S, từ Trường Sơn núi cao đến Trường Sa hải đảo. Đó là tít tắp những nghĩa trang rộng dài theo đất nước. Đó là biết bao trai thanh nữ tú dâng hiến cả tuổi thanh xuân của mình mà đến nay còn biết bao xác thân vẫn lặng lẽ hòa trong lòng đất mẹ. Nhiều năm rồi đất nước thanh bình họ vẫn còn lặng lẽ không dòng địa chỉ, dù "có một bài ca không bao giờ quên" vẫn cất lên mỗi lần nhắc nhớ về ký ức người lính trận.

Đã có biết bao người mẹ nước mắt không còn "vì khóc những đứa con, lần lượt ra đi… đi mãi mãi". Và rồi có một ngày những người mẹ ấy cũng vĩnh viễn ra đi khi không còn chờ đợi được. "Những người mẹ cuối cùng đợi con/ lặng ngắm hàng bia vẫn trắng dòng địa chỉ…".

Và cũng không phải tìm ở đâu xa, ngay trong ngày 30-4 cách đây nửa thế kỷ đã có biết bao người lính ngã xuống, vĩnh viễn chẳng thể chứng kiến niềm hạnh phúc một cách trọn vẹn khi non sông hoàn toàn thống nhất, Nam- Bắc một nhà. Nói đâu xa, đó chính là người con trai của Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam. Người mẹ có chín con ra đi không một đứa trở về. Do có thời gian công tác ở Điện Bàn, tôi may mắn được chứng kiến cuộc sống mẹ Thứ lúc còn khỏe đến những ngày tháng cuối đời và cũng đã được mẹ kể về các anh.

"Năm 18 tuổi mẹ lập gia đình. Năm 20 tuổi mẹ sinh đứa con gái đầu lòng là bà Lê Thị Trị (cũng là Mẹ VNAH- P.V). Mẹ có cả thảy 12 người con gồm 11 trai và 1 gái...". Tổ quốc gọi, mẹ Thứ lần lượt tiễn các con đi. Đau đớn thay sau khi người con thứ 8 của mẹ ngã xuống, mong mỏi cuối cùng dồn cả vào anh Lê Tự Chuyển - biệt động thành Sài Gòn, thế nhưng vào 9 giờ ngày 30- 4-1975 ngay trên cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ vào Sài Gòn anh đã ngã xuống chỉ trước vài giờ đất nước thống nhất…

Đó là cựu pháo thủ xe tăng Ngô Văn Nhỡ (thuộc Lữ đoàn 203, đội hình thọc sâu tiến đánh Dinh Độc Lập). Anh hy sinh trên tháp pháo xe tăng trước giờ toàn thắng. Năm 2013 anh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Điều cảm động, trên hành trình Nam tiến khi đơn vị chiến sĩ Ngô Văn Nhỡ đóng quân ở Quảng Trị thì được vợ từ Bắc vào thăm. Sau ngày 30-4 một thời gian người vợ anh mới nhận được giấy báo tử của chồng và cũng là lúc bà sinh con trai đầu lòng. Đây là kết quả bà vào thăm chồng tại chiến trường một năm về trước. "Trước đây, khi biết tôi mang thai, anh Nhỡ nói nếu sinh con trai thì đặt tên Việt để kỷ niệm địa danh Cửa Việt, còn sinh con gái đặt tên Hà để kỷ niệm địa danh Đông Hà của tỉnh Quảng Trị" (Người vợ kể trong niềm xúc động).

Và còn biết bao câu chuyện về những người lính đã ngã xuống trong ngày 30-4-1975 lịch sử còn nhắc nhớ đến hôm nay và mãi mãi mai sau. Lật lại danh sách trên trang thông tin điện tử Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam ở thời điểm năm 2023, tôi được biết đã có 109 liệt sĩ khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống trong đoàn quân tiến về Sài Gòn đúng vào ngày 30-4-1975…

Quê tôi trong chiến tranh là vùng tranh chấp ác liệt, các chú, các bác vẫn bảo đó là vùng "xôi đậu". Ở đây có một người mẹ có hai người con trai đứng đầu ở hai chuyến tuyến tại địa phương. Mỗi năm đến ngày giỗ chạp, hai anh em lại vác súng cùng vài đồng đội thân thiết về nhà mẹ thắp hương, ăn giỗ, thăm mẹ… xong lại đi. Ngày đó cả làng rất bình yên không hề nghe tiếng súng. Chỉ điều này thôi, người dân quê tôi bảo nhau, để có được những người con như thế, người mẹ quê kia phải là một người mẹ nhân hậu tuyệt vời. Sau này thì mẹ chọn ngày 30 - 4 hàng năm làm ngày giỗ chung để con cháu sum vầy trong ngày vui đoàn viên.

Nghĩ về những người lính đã hy sinh, nghĩ về những người mẹ, tôi lại nhớ đến những câu thơ gây cho tôi niềm xúc động hơn tất cả những câu thơ mà tôi từng đọc trước đó và chắc chắn về sau. Đó là trường ca "Những người lính của làng" của Nguyễn Quang Thiều. Có thể tóm lược, trong trường ca nhà thơ đã viết về những chàng trai, cô gái đi ra mặt trận từ một làng quê nhỏ bé, bình yên và khi trở về ngôi nhà xưa yêu dấu của mình, họ đã trở thành những người "sống suốt đời mười tám tuổi".

Những trang viết tri ân người lính trẻ, nhưng những khúc hay nhất trong bản trường ca lại được dành dâng tặng những người mẹ: "Chiến tranh đã tắt cuối con đường/ Cau vẫn rụng vào những chiều thương nhớ/Bầy sẻ nâu đã bao mùa sinh nở/ Con đã về, mẹ có thấy con không/…Chiến tranh qua rồi và mãi mãi con tin/ Con không chết con chỉ không lớn nữa/Và con sống suốt đời mười tám tuổi/Như buổi chiều chào mẹ con đi…/Con đã vào đến bếp nhà ta/ Ngồi bên mẹ xòe tay hơ trước lửa / Niêu tép mẹ kho suốt đời không thể nguội/ Cơm đang cười mẹ có thấy con không/ Đũa vẫn so thừa cả những bữa cơm đông/ Cánh cửa cũ chần chừ đêm gió lạ/ Mẹ ơi mẹ, mẹ đừng ngồi khuya quá/ Mẹ đừng ngồi vấn tóc mãi trong đêm…".

Tạp bút: Võ Văn Trường

Đà Nẵng trình chiếu phim 3D Mapping tái hiện lịch sử ngoài trời lần đầu tiên

Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 (1975 - 2025), TP Đà Nẵng sẽ tổ chức chương trình trình chiếu phim 3D Mapping với chủ đề “Câu chuyện Đà Nẵng - The Story of Da Nang“ tại mặt tiền Bảo tàng Đà Nẵng (số 42 Bạch Đằng, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Khối diễu hành đặc biệt nhất tại Lễ diễu binh, diễu hành đại Lễ 30-4

Trong số 56 khối diễu binh, diễu hành vào ngày đại lễ 30-4, có một khối rất đặc biệt, đó là Khối tôn vinh các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), Anh hùng Lao động (AHLĐ) và nhân chứng lịch sử tiêu biểu. Khác với các khối diễu hành khác, Khối này không đi mà được bố trí ngồi trên xe buýt 2 tầng...

Trưng bày ảnh, tư liệu từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 (1975 -2025) và 135 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu 19-5 (1890-2025), ngày 24-4, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh) khai mạc trưng bày chuyên đề “Từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975”