Cùng hành động để ngăn chặn bạo lực gia đình (Kỳ 1: Đủ kiểu bạo hành)
Câu chuyện của chị L.T.H, (TP Đà Nẵng) bị chồng bạo hành xảy ra hồi cuối tháng 3-2018 đến bây giờ vẫn còn in đậm trong ký ức của người phụ nữ này.
Chị H., được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện trong trạng thái đa chấn thương. Hôm ấy, khi đi giao hàng về nhà gặp lúc chồng là ông P., đang nằm nghỉ trên lầu nên chị liền mang thuốc lên cho chồng uống. Câu chuyện liên quan đến tiền bạc giữa hai vợ chồng đã dẫn đến hậu quả thật đáng tiếc. Ông P. đã đóng cửa phòng và đánh đập vợ nhiều lần; thậm chí ngay cả khi chị quỳ xuống xin tha nhưng ông P. vẫn một mực không dừng tay. May mà lúc ấy, những người chung quanh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đưa chị H. đến bệnh viện cấp cứu. Chị H. thổ lộ: "Trong hơn 10 năm sống chung, tôi đã bị ông P. đánh không biết bao nhiêu lần và đã từng báo đến quý cơ quan để làm việc. Thế nhưng chứng nào tật nấy, càng ngày ông càng đánh đập tôi dã man hơn trước. Ông ấy luôn tìm những lý do vu vơ để đánh đập tôi và con cái".
(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa). |
Cũng từ chuyện ghen tuông vô cớ mà H.V.C, trú Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng đã dùng đến cả roi điện đánh và bình xịt hơi cay gây thương tích cho chị N.T.T.T, cơ quan CA phải vào cuộc giải quyết...
Vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ) hiện đã trở nên khá phổ biến ở nhiều thời điểm khác nhau và không riêng ở địa phương nào đã để lại những hậu quả rất đau xót cho cả người thân, gia đình và xã hội. Trường hợp Đ.C (1964, trú H.Phong Điền, TT-Huế) với nhiều lần vi phạm đã được TAND huyện áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa đối tượng này vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Từ đầu năm 2017 cho đến thời điểm bị xử phạt, C. đã nhiều lần có hành vi đánh đập vợ con, trộm cắp tài sản gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn. Bản thân C. đã 3 lần bị CAX xử phạt hành chính về hành vi gây mất trật tự tại thôn xóm và Chủ tịch UBND xã cũng đã ký quyết định đưa C., vào diện quản lý giáo dục tại địa phương nhưng tái phạm vẫn cứ tiếp diễn. Có người từng dự khán phiên tòa do TAND tỉnh Quảng Trị xét xử đối với bị cáo Mai Chiếm Thắng (1980, trú P.5, TP Đông Hà, Quảng Trị) về hành vi sát hại chị H., một cách dã man vào đúng rạng sáng ngày mồng 3 Tết đều không khỏi rùng mình. Với 22 nhát dao cùng với cú giật tóc quăng từ trên giường xuống đất, Thắng đã tước đi mạng sống của người vợ từng đầu ấp tay gối suốt bao nhiêu năm trời. Cớ sự nào đã dẫn đến kết cục đau lòng này? Thật ra, trước đây, bản thân Thắng sống với gia đình bên nội lẫn bên ngoại đều rất có trách nhiệm, hết mực thương vợ con. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có mặt trái. Dù rất yêu vợ nhưng Thắng lại có tính vũ phu, nhiều lần đánh vợ đến bầm dập, tơi tả. Nguyên nhân dẫn đến cái chết oan nghiệt của chị H., xảy ra trước đó khoảng 1 năm. Có lần Thắng phát hiện trong máy điện thoại của vợ có tin nhắn tình cảm của một người đàn ông khác, nghi ngờ dẫn đến hụt hẫng niềm tin đã dẫn đến những trận cãi vã với vợ. Rồi sau đó là những trận đòn trút xuống chị H. ngày một nặng tay và lặp lại thường xuyên cho đến "hồi kết" là rạng sáng ngày mồng 3 Tết.
Trong vô vàn nguyên nhân dẫn đến BLGĐ vẫn có những vụ không chỉ dừng lại ở cánh đàn ông đối với vợ mà ngay cả nàng dâu, mẹ chồng cũng từng xảy ra xung đột. Đó là trường hợp bị cáo Nguyễn Thị Kiều Loan (1984, trú xã Điện Hồng, TX Điện Bàn, Quảng Nam) đã bị TAND TX Điện Bàn tuyên phạt 7 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người". Chỉ xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân nên giữa bị cáo Loan và mẹ chồng là bà Phan Thị Thanh (1951) xảy ra xô xát. Trong cơn nóng giận, bà Thanh đã cầm dao sang rượt đánh con dâu nhưng Loan kịp bỏ chạy nhưng bà Thanh vẫn kiên trì ngồi chờ. Mãi đến khi quay về, Loan kéo mẹ chồng ra ngõ và quá trình xô đẩy đã khiến bà Thanh ngã đập đầu vào cửa sắt bất tỉnh và tử vong sau khi đưa đi bệnh viện cấp cứu. Nhiều vụ án liên quan đến vấn đề "cơm không lành, canh không ngọt" của các gia đình mà hậu quả để lại vô cùng đau lòng. Những trường hợp BLGĐ nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những vấn đề như trọng nam khinh nữ, khó khăn về kinh tế, ngoại tình hay các nguyên nhân về xã hội như rượu chè, cờ bạc, nghiện hút... đã đẩy nhiều gia đình vào "ngõ cụt". Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 130 nghìn vụ BLGĐ. Trong đó, nam giới chiếm hơn 83% đối tượng gây BLGĐ; gần 80% số vụ ly hôn hằng năm có nguyên nhân từ BLGĐ. Đây còn là nguyên nhân làm gia tăng các loại tội phạm xã hội. Điều đó cho thấy, những con số nêu trên đã phần nào chứng tỏ thực trạng rất đáng báo động, đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội để đẩy lùi vấn nạn BLGĐ, tiến tới xây dựng cuộc sống bình đẳng, an toàn, hạnh phúc.
(còn nữa)
PHƯƠNG KIẾM