Cùng hội, cùng thuyền
(Cadn.com.vn) - Trung Quốc có lẽ đang nhìn chăm chăm vào chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 5 ngày, kết thúc vào hôm nay (3-9) của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bởi lẽ, Bắc Kinh hiểu rõ, thắt chặt mối quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước là ưu tiên hàng đầu của ông Modi.
Thật vậy! Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Modi chọn Nhật Bản là điểm đến đầu tiên cho chuyến công du kéo dài đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Rõ ràng, chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Modi là nhằm mục đích tạo tường thành vững chãi hơn nhằm chống những tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ và vô lý của Trung Quốc.
Và đó là vì hai cường quốc Châu Á này đều có chung quyền lợi và mục tiêu cần hướng đến – kiềm chế Bắc Kinh và không để “con hổ Châu Á” này dẫm chân. Trước những tuyên bố chủ quyền quá vô lý và ngang ngược của Trung Quốc, Tokyo và New Delhi đều nêu bật mối lo ngại và quyền lợi chung của đôi bên.
Ngay từ khi được bầu vào tháng 5, ông Modi tuyên bố dành chuyến đi đầu tiên tới đất nước Mặt Trời mọc. Đây là chuyến công du nước ngoài quan trọng đầu tiên của Thủ tướng Modi và kéo dài đến 5 ngày, cho thấy tầm quan trọng “cuộc hẹn” giữa hai người khổng lồ Châu Á. Cũng không lạ vì 2 đại diện của cánh hữu theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa này có những mối quan hệ thân thiết từ nhiều năm nay và ông Modi – khi chưa lên nắm quyền - cũng nhiều lần đến Tokyo.
Ngoài quân sự, tăng cường hợp tác kinh tế với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng là mục tiêu Thủ tướng Modi hướng đến. Trong buổi họp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật hôm 2-9, ông Modi cam kết, các Cty nước sở tại sẽ được đối đãi bằng cách “trải thảm đỏ” chứ không phải là thủ tục quan liêu khi đến làm ăn tại quốc gia gần 1,3 tỷ người.
Tuy nhiên, ông Modi né tránh câu hỏi về ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc mà chỉ nói: “Một người thông minh có thể sử dụng ngọn đèn nhỏ để xua đuổi bóng tối”.
Cho đến giờ phút này, có thể nói, chuyến đi của ông Modi đã thành công mỹ mãn. Hàng loạt thỏa thuận kinh tế và an ninh đã có chữ ký của Thủ tướng Modi và người đồng cấp Abe. Ông Modi thậm chí không ngớt lời ca ngợi thỏa thuận mua bán các thiết bị liên quan đến quốc phòng và hợp tác kinh doanh khí đốt tự nhiên; các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng thông minh. Chỉ có “lỗi nhỏ” là không có thỏa thuận năng lượng hạt nhân, trong đó New Delhi cần nhập khẩu các thiết bị của Tokyo để phát triển điện hạt nhân.
Và trong tuyên bố chung Nhật - Ấn tái khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cấp quan hệ quốc phòng, ưu tiên cho cả sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Rõ ràng, New Delhi có chính sách hướng Đông, và có vẻ như Tokyo có một chính sách “nhìn vào Ấn Độ”.
Thanh Văn