Cúng làng-nét văn hóa truyền thống độc đáo ở Tây Nguyên
(Cadn.com.vn) - Ngày trước, khi đất đai còn bạt ngàn, bà con dân làng Tây Nguyên thuộc các dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Ê Đê... còn chưa biết kỹ thuật canh tác thì cứ theo già làng, dựng làng ở một địa điểm được chọn rồi cùng nhau trồng trọt, sinh sống, đến khi đất bạc màu lại đi tìm vùng đất mới lập làng để tiếp tục mưu sinh. Cứ thế làng được thay đổi địa điểm từ vùng này đến vùng khác và cứ mỗi khi tìm được vùng đất mới lập làng thì cả làng lại cùng quay quần chuẩn bị cho lễ cúng làng rất công phu.
Cúng về làng mới
Theo Già A Thăk (64 tuổi), người có uy tín trong làng Pa Cheng, xã Đăk Long, H. Đăk Hà (Kon Tum), muốn tìm được đất lập làng, đầu tiên thanh niên trong làng theo già làng đi xuống suối tìm 2 con ốc đá khỏe mạnh, mỗi con ốc được lấy từ một vùng suối khác nhau được đánh dấu 1 con là ốc người và 1 con là ốc ma. Để hai con ốc trên một mặt phẳng, ở giữa là một thanh tre đánh dấu lãnh thổ hai bên, cho hai con ốc đó đánh nhau phân thắng bại. Nếu ốc ma thắng thì già làng phải đi tìm vùng đất khác, còn nếu ốc người thắng thì đấy chính là vùng đất được Giàng chọn lập làng. Già làng sẽ chọn ra 1 chàng trai và 1 cô gái mới lớn, trinh trắng phát những phát rựa, phát dao đầu tiên chọn rẫy lập làng. Phải 5 ngày sau khi đôi nam nữ thanh niên được chọn phát những phát rựa, phát dao đầu tiên chọn rẫy thì già làng mới bảo dân làng đi nghe tiếng chim Giàng, nếu dân làng vào rẫy nghe tiếng chim Giàng kêu bên trái của hướng đi trước, rồi trả lời lại bằng bên phải thì đó chính là ngày phát rẫy, dọn rẫy. Còn nếu chim Giàng kêu phía trước mặt và trả lời phía sau lưng thì dân làng lại kéo nhau về lại làng cũ, vài ngày sau lại vào rừng chờ nghe tiếng chim Giàng, cho đến lúc chim Giàng kêu và trả lời đúng như tục lệ thì tất cả người dân trong làng cùng nhau phát rẫy, dọn rẫy và chuẩn bị các nghi lễ cúng làng để dời về vùng đất mới sinh sống. Trong khi phát dọn, đồng bào không đốt hết mà gom rác lại thành từng cụm nhỏ cách xa nhau rồi đốt theo từng cụm nhỏ đó. Khi đã phát xong, dọn dẹp sạch sẽ, san bằng đất đai, già làng sẽ chọn vùng đất trung tâm để dựng nhà Rông truyền thống của làng, các nóc nhà cứ thế được chỉ định xung quanh mái nhà Rông. Mỗi hộ gia đình góp vào 1-2kg gạo nếp để cùng nấu rượu cần, già làng đưa trâu, bò, heo cột dưới chân cây nêu được dựng để đánh dấu lãnh thổ nhà Rông, bà con dân làng quây quần xung quanh cây nêu lo lễ cúng Giàng. Già làng sẽ thay mặt bà con khấn và cầu mong Giàng ban cho sức khỏe, ban cho mùa màng bội thu, sự giàu có... Xong nghi lễ, dân làng tập trung ăn thịt nướng, uống rượu cần, múa xoang, đánh cồng chiêng cùng những văn hóa lễ hội đặc trưng của từng tộc người trong 3 ngày 3 đêm rồi đi phát rẫy, gieo trồng lúa, sắn, ngô... bắt đầu một cuộc sống với ngôi làng mới trên vùng đất mới.
Cảnh trong lễ cúng về làng mới. |
Cúng giọt nước
Song song với lễ cúng làng là lễ giọt nước để khai sinh nguồn nước mới ở ngôi làng mới. Khi tìm được đất làng mới, đồng thời người dân cũng tìm nguồn nước mới để cả làng cùng tập trung tắm, giặt và lấy nguồn nước uống. Nguồn nước thường được tìm từ những mạch nước ngầm từ đầu nguồn, chẻ đôi những ống nứa, lồ ô lớn, gọt bỏ mắt thành những ống dài, đút ống lồ ô hay ống nứa vào các khe nước đó cho nước chảy ra thành dòng, nơi đó được gọi là giọt nước của làng.
Khi tìm ra dòng nước để hình thành giọt nước làng, dân làng cũng phải cúng, gọi là lễ cúng giọt nước. Già làng lấy máu của những con vật tế linh như dê, gà, heo vẫy quanh vùng nước giọt, rồi rưới lên trên đầu nguồn nước cho máu hòa vào dòng nước chảy về giọt nước của làng. Cùng lúc đó, già làng khấn Giàng nước ban cho dân làng sức khỏe, dòng nước mát lành không bao giờ cạn kiệt. Dưới giọt nước là chàng trai và cô gái mới lớn được làng lựa chọn dâng lễ cúng Giàng mới được hứng những bầu nước đầu tiên về nấu cơm thiêng cúng Giàng. Sau nghi lễ của già làng, dân làng mới được đến giọt lấy nước về nhà sinh hoạt.
Cúng rửa làng cũ
Sau khi định cư ở làng mới, theo tục lệ cúng làng, cứ đến những ngày cuối tháng 12 hay ngày đầu tháng 1 dương lịch hàng năm, dân làng tại Tây Nguyên lại chuẩn bị rửa làng nhằm mục đích rửa trôi những cái xấu, cái cũ của một năm, chào đón năm mới với nhiều niềm vui và may mắn. Hay khi làng có dịch bệnh, hỏa hoạn, sự kiện lớn thì người dân cũng tiến hành rửa làng. Khi đó, tất cả trai gái chưa chồng chưa vợ trong làng đều phải đến thành khẩn khai báo với già làng về việc mình có còn trong trắng hay không. Nếu người nào chưa có vợ, chồng mà đã quan hệ trước hôn nhân hoặc lấy nhau rồi mà có bầu trước, cho dù đã đẻ con thì cũng sẽ bị làng phạt heo để cúng Giàng trong lễ rửa làng.
Số heo được cống nộp để rửa làng sẽ được tập trung lại làm thịt, lấy máu heo đem xuống giọt nước cúng Giàng nước, khấn Giàng là đã rửa làng, rửa con người trong làng rồi, bây giờ làng và người đều sạch rồi cầu mong Giàng ban cho sức khỏe, xua tan những xui xẻo của năm cũ, rước những điều may mắn trong năm mới. Sau đó 5 cô gái mới lớn trong làng được dân làng lựa chọn xuống giọt nước lấy nước về nhà Rông cho già làng đổ vào những ghè rượu cần đã được xếp sẵn trong các cột nhà Rông.
Thịt heo được chia cho từng gia đình, mỗi nhà một ít còn lại được chế biến thành nhiều món, cùng với rượu cần, mang lên nhà Rông để dân làng tập trung ăn uống suốt 3 ngày 3 đêm...
Hồng Điệp