Cùng tiến!

Thứ năm, 12/05/2016 09:07

(Cadn.com.vn) - Triều Tiên đã đánh dấu cột mốc quan trọng bằng việc tung ra kế hoạch chi tiết nhằm kích thích phát triển nền kinh tế tại đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên (WPK) cầm quyền. Dấu mốc này cho thấy, đây là thời điểm vàng để Bình Nhưỡng và Washington cùng bắt tay hợp tác để mở đường cho việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Kế hoạch 5 năm, lần đầu tiên trong 36 năm qua, đã được nhà lãnh đạo Kim Jong-Un công bố tại phiên bế mạc đại hội. Điểm nổi bật mà Chủ tịch Kim Jong-Un đưa vào kế hoạch lần này là bước tiến lớn trong việc cải thiện mức sống của người dân. Tuy nhiên, phát triển kinh tế chỉ là một nửa của chính sách "Byungjin" - được thông qua năm 2013, theo đó song song phát triển vũ khí hạt nhân và kinh tế. Trong bài phát biểu gây chú ý tại đại hội, ông Kim nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ mở rộng quan hệ kinh tế bên ngoài, làm nổi bật mong muốn tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế.

Rõ ràng, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đã hiểu rằng, việc cải thiện kinh tế đất nước phụ thuộc rất nhiều vào âm thanh kinh tế và mối quan hệ thương mại quốc tế khỏe mạnh. Tuy nhiên, nỗ lực phát triển kinh tế trong khi củng cố kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng không hề dễ dàng. Một lệnh cấm vận phong tỏa của phương Tây kéo dài nhiều thập kỷ qua đã trở thành nỗi đau của kinh tế Triều Tiên. Kế hoạch theo đuổi chương trình hạt nhân tốn kém cũng đặt gánh nặng to lớn cho nền kinh tế khiến quốc gia Đông Á này có nguy cơ tiếp tục bị cô lập và dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Khả năng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nếu mở rộng "về chất lượng và số lượng" sẽ làm giảm cơ hội Bình Nhưỡng mở cửa với thế giới bên ngoài và thiết lập quan hệ thương mại bình thường với các nước khác, và từ đó khiến những tham vọng kinh tế cao cả của họ bị chôn vùi. Tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc họ sẽ không phải là bên khởi động một cuộc tấn công hạt nhân trước cho thấy một sự mặc cả và hòa dịu hơn với cộng đồng thế giới, nhưng việc đạt được một sự đồng thuận toàn cầu về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn xa vời.

Có lẽ Triều Tiên đã chìa một tay, và điều cần có lúc này là chờ một phản ứng mang tính xây dựng từ Washington. Chiến thuật gây áp lực của Mỹ không tốt cho việc cải thiện mối quan hệ hai nước. Và một cuộc hội đàm miễn cưỡng với Triều Tiên cùng chỉ khiến trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia thù địch này. Cách duy nhất để giải quyết vũng lầy này, vốn có nguy cơ phát triển tồi tệ theo kiểu ăn miếng trả miếng, là Washington cần kiềm chế chính sách Triều Tiên hiếu chiến của mình.

Tiếp tục đẩy Bình Nhưỡng vào một góc sẽ chỉ thổi bùng căng thẳng trong khu vực, một kết cục không có lợi cho ai cả. Ngược lại, chấm dứt cô lập Bình Nhưỡng sẽ giúp Triều Tiên rất nhiều trên mặt trận kinh tế và có thể dẫn đến sự tan băng trong quan hệ Mỹ-Triều. Và người ta có quyền hy vọng, điều này cuối cùng sẽ giúp đặt dấu chấm hết cho vấn đề hạt nhân gây tranh cãi dai dẳng.

Thanh Văn